Luật Sharia - nền tảng Taliban cai trị Afghanistan
Taliban tuyên bố sẽ điều hành Afghanistan dựa trên luật Sharia song cách diễn giải luật này lại rất khác nhau ngay cả trong thế giới Hồi giáo.
Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan đồng nghĩa luật Sharia sẽ quay trở lại như lời một chỉ huy cấp cao của nhóm tuyên bố hôm 18/8. Việc Taliban tiếp quản đang làm dấy lên nhiều lo ngại cũng như đồn đoán về tương lai Afghanistan.
"Sẽ không có hệ thống dân chủ nào cả", chỉ huy Taliban Waheedullah Hashimi cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Reuters. "Chúng ta sẽ không thảo luận về hệ thống chính trị nào nên được áp dụng tại Afghanistan bởi nó đã rõ ràng. Đó là luật Sharia".
Vậy luật Sharia là gì và nó có ý nghĩa như thế nào trong hệ tư tưởng của Taliban?
Theo tiếng Arab, Sharia bắt nguồn từ một từ có nghĩa là con đường hay "con đường trong vắt, đầy ắp dẫn đến nước". Trên thực tế, nó được hiểu, giải thích và áp dụng không giống nhau trên khắp thế giới, tùy thuộc vào truyền thống, bối cảnh văn hóa và vai trò của Hồi giáo trong từng chính phủ khác nhau.
Nhìn chung, luật Sharia là một tập hợp các quy tắc tôn giáo hướng dẫn cuộc sống hàng ngày của người theo đạo Hồi, trong đó có cầu nguyện và ăn chay, dựa chủ yếu trên kinh Koran, sách thánh Hồi giáo, cũng như những lời răn dạy của nhà tiên tri Muhammad.
Các nhà lãnh đạo, giáo sĩ và người thực hành tôn giáo có nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với những truyền thống và tiền lệ.
Sharia có thể xuất hiện trong luật hình sự, gồm các quy tắc trừng phạt nghiêm ngặt được thực thi ở một số ít quốc gia, hay luật dân sự, quy định các vấn đề như hôn nhân, thừa kế và quyền nuôi con, vốn phổ biến hơn trong thế giới Hồi giáo.
Trong quãng thời gian Taliban kiểm soát đất nước từ năm 1996 đến 2001, nhóm đã thực hiện luật Sharia theo cách giải thích vô cùng khắc nghiệt. Phụ nữ phải mặc burqa, trang phục trùm kín từ đầu đến chân và chỉ để hở phần mắt, và có thể bị phạt đánh nếu tự ý ra ngoài mà không có đàn ông đi cùng.
Các trường nữ sinh bị đóng cửa. Những người vi phạm các quy tắc của Taliban có thể bị hành quyết công khai, quất roi hay ném đá.
Một số vùng ở Afghanistan vẫn do Taliban cai trị trong hai thập kỷ qua. Tại những khu vực này, nhóm vẫn áp đặt các luật lệ hà khắc.
Chỉ huy Taliban Hashimi cho biết quyền của phụ nữ Afghanistan sẽ được quyết định bởi một hội đồng các học giả Hồi giáo. Theo như Hashimi mô tả, hệ thống này có những điểm tương đồng nổi bật với các luật lệ trước đây của Taliban.
Phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid tuần qua trong một cuộc họp báo khẳng định nhóm sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ theo các chuẩn mực của luật Hồi giáo, nhưng không nêu cụ thể. Mujahid cũng đưa ra một cam kết mơ hồ về việc duy trì các quyền tự do báo chí song nêu điều kiện rằng các nhà báo không được "chống lại những giá trị quốc gia".
Abdulaziz Sachedina, giáo sư tôn giáo và chính trị tại Đại học George Mason chuyên nghiên cứu về Hồi giáo, cho rằng Taliban sẽ phải mất nhiều thời gian và nỗ lực để áp đặt các chính sách liên quan đến luật Sharia.
"Nói 'chúng tôi sẽ áp dụng luật Sharia' thì dễ nhưng làm thì rất khó", ông nhấn mạnh.
Theo giáo sư Sachedina, luật Sharia không cung cấp một hệ thống được soạn thành luật lệ cho một nhà nước hiện đại, chẳng hạn nó không có luật về thương mại hay hành chính.
"Không có bất cứ điều gì trong Sharia nói rằng đây là cách bạn điều hành đất nước", Sachedina cho hay. "Luật Sharia khác xa với thể chế nhà nước hiện đại như chúng ta biết ngày nay".
Phương Tây đôi khi chỉ trích luật Sharia vì nó có các quy định về trừng phạt thân thể.
Luật Sharia đã vấp phải hàng loạt thách thức pháp lý trên khắp nước Mỹ trong những thập kỷ gần đây vì một số người lo ngại nó có thể vượt qua luật pháp Mỹ. Nhưng hầu hết các chuyên gia luật và tự do tôn giáo đều cho rằng những lo ngại về luật Sharia đang được sử dụng tại Mỹ đều là hiểu sai về thực tế pháp lý. Theo họ, luật Sharia chỉ dành cho các nhóm tôn giáo quản lý hoạt động nội bộ của họ và sẽ không thể vượt qua được luật pháp Mỹ.
Các quy tắc Hồi giáo quy định về cách ăn mặc của phụ nữ từ lâu đã là đề tài gây tranh luận ở một số quốc gia, đặc biệt là về cách diễn giải kêu gọi phụ nữ mặc burqa đầy đủ.
Luật của Pháp có quy định về việc phụ nữ Hồi giáo đeo mạng che mặt trong không gian công cộng và nhiều nước châu Âu khác cũng ban hành chính sách tương tự.
Luật Sharia có cách giải thích khác nhau trên toàn thế giới Hồi giáo. Không giống như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay các lãnh đạo ở Arab Saudi, Taliban xác định họ là một nhóm người Sunni truyền thống theo trường phái luật Hanafi, một trong 4 trường phái luật Hồi giáo truyền thống của người Sunni.