Amiăng là một trong những chất gây ung thư nghề nghiệp nghiêm trọng nhất. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp có liên quan amiăng.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cho biết về bản chất hóa học, amiăng là một chất rất trơ như mảnh vụn thủy tinh, không tác dụng với bất kỳ chất gì cả. Amiăng có rất nhiều loại. Loại thường được khai thác để sử dụng thường có dạng sợi mảnh, dùng để trộn với xi măng hoặc dệt thành vải.
Sản phẩm từ amiăng cách nhiệt rất tốt bởi amiăng phải lên tới 1500 độ C mới nóng chảy. Vì vậy, amiăng thường được dùng để sản xuất các loại áo cứu hỏa, làm đồ lót chống cháy, bếp điện, tủ sấy, lò nung...
Phó giáo Côn nhận định, từ trước đến nay, amiăng là nguyên liệu tuyệt vời để chống cháy, cách nhiệt. Sau này, các nhà nghiên cứu phát hiện ra sợi amiăng rất mảnh. Khi người công nhân khai thác hoặc chế biến, sợi amiăng gãy vụn ra, thành những mảnh nhỏ li ti, rất nhẹ, rất sắc giống như mảnh thủy tinh. Những mảnh rất nhỏ này ở trong bụi, khi con người hít vào trong phổi, amiăng có thể vào đến tận đáy phế nang và các nội bào.
"Khi phổi co giãn liên tục, mảnh amiăng như một lưỡi kiếm sắc, đâm thủng phế nang gây thương, tạo ra những vết thương không bao giờ lành", Phó giáo sư nói.
Ông phân tích, cơ thể chúng ta có cơ chế bảo vệ vết thương bằng cách tiết ra một chất để bọc vật thể đó lại. Vết thương từ amiăng qua thời gian thành những vết sẹo. Từ đó, phế nang chứa hàng trăm nghìn những vết sẹo không lành. Theo cơ chế biến đổi, chúng tạo thành khối u ác tính. Người hít phải bụi khí amiăng thường mắc các bệnh về phổi.
Ngoài ra, amiăng còn nguy cơ gây ung thư thanh quản, buồng trứng, trung biểu mô... Thời gian ủ bệnh từ 10 đến 40 năm.
Phó giáo sư nhận định, trước khi phát hiện ra amiăng có khả năng gây ung thư, tỷ lệ ung thư của công nhân tiếp xúc amiăng cao gấp 1,8 lần với công nhân bình thường.
Việt Nam là một trong 6 nước vẫn sử dụng lượng lớn amiăng trong sản xuất, với hơn 50.000 tấn mỗi năm. Gần 80% amiăng nhập khẩu được sử dụng để làm tấm lợp. Ngoài ra, amiăng có trong một số vật liệu, sản phẩm cách nhiệt, cách điện, chống cháy, má phanh, tấm trần... Những công việc có thể phát sinh bụi amiăng chủ yếu trong quá trình sản xuất như xé bao, nghiền, trộn, khoan, nổ mìn... Các dạng chất khác nhau chủ yếu của amiăng như amiăng trắng, xanh và nâu...
Tuy nhiên, Phó giáo sư Côn cho biết, amiăng gây ung thư theo cơ chế cơ học, chỉ khi nào ở dạng bụi, hạt, mảnh gãy rất nhỏ và con người hít phải mới gây ung thư. Còn khi amiăng kết rắn trong những tấm lợp xi măng sẽ không có tác hại. Nguyên nhân bởi khi được kết rắn, chúng không còn những sợi vụn bay nữa. "Khi bụi amiăng thành vật để sử dụng thì không gây độc hại", Phó giáo sư Côn khẳng định.
Chuyên gia khuyến cáo, công nhân làm việc tại các xí nghiệp khai thác, chế biến, làm tấm lợp amiăng, dệt vải... phải đặt việc bảo hộ lên hàng đầu. Người dân sống gần các nhà máy sản xuất các vật liệu chứa amiăng khi có biểu hiện bệnh do bụi amiăng cần đi khám và báo cho các cơ quan có thẩm quyền (môi trường, y tế) để kiểm tra, xử lý và điều trị bệnh kịp thời.
Tại Việt Nam, bệnh bụi phổi amiăng từ năm 1976 được công nhận là bệnh nghề nghiệp được đền bù. Nhật Bản cấm sử dụng amiăng từ năm 2012 ở tất cả ngành công nghiệp. Trên thế giới, từ năm 2013 đến nay có hơn 60 nước đã cấm sử dụng tất cả các dạng amiăng.
Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lao động quốc tế đều khuyến nghị cấm hoàn toàn sử dụng mọi dạng amiăng. Đây là cách hiệu quả nhất để loại bỏ các bệnh liên quan đến chất này.
Thúy Quỳnh