Đây là ý kiến của trên 100 đại biểu thuộc Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, đại diện Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ, Tổ chức Y tế Thế giới… tại hội thảo về amiăng diễn ra tại Hà Nội ngày 17/7.
Bà Socorro Escalante, chuyên gia về sức khoẻ môi trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương cho biết, trên thế giới có 7 nước phản đối Công ước Rotterdam về amiăng, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia duy nhất nhập nhẩu, 6 quốc gia còn lại (Nga, Trung Quốc, Canada...) đều là nước xuất khẩu. Đồng thời Việt Nam cũng là 1 trong 10 nước sử dụng nhiều nhất lượng amiăng trắng trên thế giới để sản xuất tấm lợp.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin, tại một số quốc gia phát triển, amiăng trắng chỉ còn sử dụng trong công nghệ quốc phòng, nhà máy điện hạt nhân, tuy nhiên ở Việt Nam nó lại chủ yếu được dùng để sản xuất tấm lợp. Thậm chí, tại các vùng cao người dân còn sử dụng tấm lợp này để hứng nước mưa dùng cho sinh hoạt, vô tình sử dụng phải nước có nhiễm amiăng.
Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định, amiăng là chất gây ung thư nghề nghiệp quan trọng nhất, ước tính gây ra một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp. Tác hại tiềm tàng không chỉ với sức khỏe của người lao động mà cả với những người sinh sống tiếp xúc với chất này.
Thời gian ủ bệnh sau khi tiếp xúc với chất này thường kéo dài 20-30 năm. Nó xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường hô hấp, đường tiêu hoá và đâm xuyên qua da gây nên một số bệnh như: bệnh bụi phổi, ung thư phổi, trung biểu mô, thanh quản, buồng trứng...
Giáo sư Ken Takahashi, ĐH Sức khoẻ môi trường và nghề nghiệp Nhật Bản cũng cho biết, sau hơn 40 năm các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu về tác hại của tất cả các loại amiăng. Kết luận chung là các loại amiăng, gồm cả amiăng trắng, đều gây ung thư và không có ngưỡng an toàn cho các chất gây ung thư. Mỗi năm trên toàn cầu có 107.000 người chết và hơn 1,5 triệu người bị khuyết tật do các bệnh có liên quan đến amiăng như ung thư phổi, bụi phổi...
Tại Việt Nam, bệnh bụi phổi animăng được công nhận là bệnh nghề nghiệp được đền bù từ năm 1976, nhưng mới giám định và đền bù được 3 trường hợp. Nhiều bệnh liên quan đến chất này chưa được thống kê đầy đủ. Kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế giai đoạn 2010-2011 khẳng định, Việt Nam đã có nhiều trường hợp ung thư trung biểu mô. Cụ thể có 80% ca ung thư trung biểu mô có liên quan đến amiăng.
Chính vì gánh nặng bệnh tật và gánh nặng tài chính do các bệnh liên quan đến amiăng, Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lao động quốc tế đều khuyến nghị cấm hoàn toàn mọi dạng amiăng. Đây là cách hiệu quả nhất để loại bỏ các bệnh liên quan đến chất này.
“Amiăng trắng là tác nhân gây nhiều loại ung thư, đặc biệt là ung thư trung biểu mô. Không có ngưỡng an toàn trong việc sử dụng amiăng, càng tăng sử dụng thì càng tăng tỷ lệ ung thư”, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Theo thứ trưởng, các công trình nghiên cứu về ung thư trên thế giới đã cho thấy rõ amiăng là tác nhân gây ung thư. Vì thế, những nghiên cứu đánh giá về tác hại của nó với sức khỏe là không cần thiết. Ngược lại, cần tìm hướng xử lý các vật liệu thải có chứa chất này trong cộng đồng, để đảm bảo môi trường sống của cộng đồng được an toàn hơn.
Sau hội thảo này, Bộ Y tế sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng để sớm đưa amiăng vào danh mục hoá chất độc hại của Công ước Rotterdam, tiến tới cấm sử dụng hoàn toàn chất này tại Việt Nam.
Phương Trang