Kỳ thi THPT quốc gia 2021 kết thúc khá lâu nhưng một chủ đề gây tranh luận nhiều là các trường đại học nên xem xét việc cộng điểm tiếng Anh, cụ thể là điểm thi IELTS cho các thí sinh.
Nếu xét đơn thuần, ý tưởng này không mới. Bởi trong năm nay, một số trường đại học đã áp dụng hình thức cộng điểm, tuyển thẳng với thí sinh có chứng chỉ IELTS.
Đại học Dược Hà Nội ưu tiên cộng điểm khuyến khích cho các thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương IELTS 5.5 trở lên. Cụ thể, IELTS 5.5 được cộng 0,25 điểm, IELTS 6.0 được cộng 0,5 điểm, IELTS 6.5 được cộng 0,75 điểm.
>> Nỗi lo học sinh lệch chuẩn vì giáo viên tiếng Anh phát âm sai
Ý chính của xuất trên là gắn chặt điểm IELTS với điểm cộng xét tuyển đại học, cho tất cả các trường đại học như cộng điểm ưu tiên vùng. Mới nghe qua, đây có vẻ là một cách hay để khuyến khích học sinh học tiếng Anh, cũng như dần nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh Việt ngay từ khâu đầu vào.
Nhưng theo tôi, việc này cho thấy hiện tượng tôn sùng điểm IELTS của rất nhiều người. Mặt khác, nếu quả thật có ngày cộng điểm IELTS như cộng điểm vùng, thì lợi ích sẽ chảy vào các trung tâm, cá nhân luyện thì là không đếm xuể.
IELTS trải điểm số từ 0-9. Mỗi năm có khoảng 5 triệu người phân bố ở 140 quốc gia trên khắp thế giới thi IELTS. Nhưng tiền của, công sức và một "ngành công nghiệp" luyện thi IELTS như luyện thi đại học những năm 2000 có lẽ chỉ ở ta mới có.
Một dẫn chứng thực tế, đứa em họ tôi đang học năm cuối ngành phần mềm của một trường đào tạo IT tại TP HCM đang vò đầu bứt tay ôn luyện tiếng Anh và lo lắng nếu không đạt đủ điểm IELTS theo quy chuẩn của trường thì sẽ tốt nghiệp muộn.
Trước đợt dịch lần 4, em ấy đã thi một lần nhưng không đủ chuẩn. Bây giờ, ngoài tiền bạc cho bốn năm ăn ở để học đại học thì còn phải tốn thêm một mớ kinh phí để luyện thi IELTS. Đã tốn hơn hai mươi triệu đồng vừa theo học các khoá ở trung tâm, chưa kể vài triệu đồng cho mỗi khoá học online. Đấy là chưa kể tính luôn tiền mua sách, và lệ phí thi mỗi lần gần 5 triệu đồng.
Có lẽ nhiều sinh viên khác cũng rơi vào tình cảnh giống như em họ tôi. Bởi nếu chỉ thiếu xíu xiu điểm thôi, thì phải đành ngậm ngùi thi lại. Nếu thi vẫn không đủ điểm thì phải ôn thi, nộp phí thi lại mà con số 5 triệu đồng là chi phí sinh hoạt một tháng của một sinh viên TP HCM.
Dạy và luyện IELTS trở thành một ngành công nghiệp, một nghề hái ra tiền ở Việt Nam. Chắc hẳn bên cạnh những quán cà phê, thì các trung tâm tiếng Anh có luyện thi IELTS có mặt hầu hết ở các con đường của TP HCM. Họ tràn lên cả không gian mạng với những lớp dạy online.
Mức học phí trung bình cho khóa học IELTS từ con số 0 để đạt đến trình độ cơ bản 4.5 IELTS vào khoảng 4-5 triệu đồng. Trình độ nâng cao từ 4.5 - 6.5 vào khoảng 6,5-8 triệu đồng. Nhưng đó chỉ là một mức giá trung bình để dẫn dụ người học, thực tế số tiền cần phải bỏ ra lớn hơn nhiều, theo tìm hiểu của tôi thì dao động ở mức 10, 15, 20 triệu đồng mỗi khoá, mức nào cũng có.
>> Tiếng Anh có thật sự cần thiết cho tất cả mọi người?
Nếu một trung tâm có chừng 50-100 người theo học, thì họ kiếm được bao nhiêu tiền? Theo như đánh giá của một người quen có kinh nghiệm luyện thi và dạy ở trung tâm của tôi cho biết, thị trường này đáng giá cả nghìn tỷ đồng.
Vì đây là một miếng bánh béo bở nên cũng có khá nhiều chuyện rắc rối xảy ra. Ví dụ như một số "thầy, cô" giỏi làm hình ảnh cá nhân để thu hút "khách hàng", người học thông qua các nền tảng mạng xã hội nhưng năng lực chuyên môn lại không có hoặc kém nhiều lần so với những gì họ tự quảng cáo.
Vậy nên mới có chuyện năm rồi, những cú "bóc phốt" các giáo viên này liên tiếp nổ ra, như dùng bằng giả, dùng photoshop chỉnh sửa điểm để đi dạy...
Bên cạnh nhiều người tốn tiền chục triệu để luyện thi nhưng thi mãi không đạt điểm mong muốn thì vẫn có một số người tự ôn, tự học và đi thi lại đạt điểm cao. Tôi rất ngưỡng mộ những bạn này. Ngoài ra, điều này còn cho thấy việc học ngoại ngữ, đơn cử là học tiếng Anh là kết quả của một quá trình trau dồi, tự học chứ không phải cứ bỏ tiền ra theo học vài khóa mà kết quả thì tiền mất và tật thì mang.
Tài liệu hướng dẫn dồi dào, các chương trình dạy IELTS phong phú trên mạng, sao các bạn trẻ không tự học, tự luyện thi?
Và như đã nói, cái thang điểm IELTS chỉ là mức đánh giá sự hiểu biết, thông thạo của một người không nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ mà thôi. Tôi không hiểu sao nó lại trở nên được tôn sùng và thần thánh hoá ở ta lên như thế. Việc một số trung tâm, cá nhân lợi dụng việc này để ra sức bơm thổi về giá trị của tấm bằng này và kiếm thu nhập khủng từ việc luyện thi cần bị lên án.
Minh Anh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.