Nói "người Việt Nam thấp bé, nhẹ cân do gen" là không hoàn toàn đúng. Tôi có mấy đứa cháu theo cha mẹ đi định cư ở nước ngoài khi còn ẵm ngửa. Trưởng thành, chúng về nước thăm quê, đứa nào cũng cao to như Tây, cao 1,8-1,9 m, không phải nhờ gen mà do chế độ dinh dưỡng và chế độ tập luyện thể thao. Nước mà chúng uống hàng ngày là sữa (uống trong ngày) và bia (uống ở nhà sau giờ làm việc). Riêng bia thuần túy uống để giải khát (1–2 chai/ lần) chứ không phải nhậu hết thùng nọ đến thùng kia như người Việt. Còn nước lọc (nước tinh khiết) thì chỉ có dân châu Âu mới uống chứ dân Mỹ hiếm khi uống nước lọc.
Trẻ em Âu - Mỹ dưới 6 tuổi không to hơn trẻ em Việt. Bạn có thể đến các trung tâm giải trí ở các siêu thị hạng sang mà xem trẻ em Tây. Chúng cũng nhỏ người nhưng cha mẹ của chúng thì to gấp đôi cha mẹ Việt. Rõ ràng rằng, gen không phải là yếu tố quan trọng, không phải là yếu tố có tính quyết định về thể hình, thể lực của người Việt Nam.
Bắt đầu từ tuổi dậy thì, trẻ em Âu-Mỹ phải ăn uống và tập luyện thể thao theo chương trình dinh dưỡng và thể thao học đường đã được các nhà khoa học của họ nghiên cứu rất kỹ. Cho dù là gia đình nghèo cho con em học trường công (trường miễn học phí), thì chế độ ăn uống tập luyện cũng vẫn như thế (chỉ thua trường tư ở trang bị vật chất). Thể thao và dinh dưỡng học đường khoa học tạo ra con người có thể hình thể lực tốt khi trưởng thành.
Trong quá trình học đó, ai có năng khiếu môn gì sẽ được bồi dưỡng sàng lọc tham gia vào đội tuyển thể thao của nhà trường đi thi đấu với các trường khác có độ tuổi tương đương. Đây chính là những giải mà ta hay gọi là giải U – từ U10 đến U18. Các học viện thể thao, các lò đào tạo VĐV thể thao tuyển trạch người từ các giải U này.
Ở Âu - Mỹ, bất kể là gia đình nào, giàu hay nghèo, đều muốn con tham gia vào các giải U hy vọng được người ta tuyển chọn biết đâu một ngày nào đó con mình có vinh dự đứng trong đội hình tuyển quốc gia thi đấu ở một giải danh tiếng nào đó. Nếu đoạt được huy chương thì một suất vào đại học top 10 xem như cầm chắc trong tay – khỏi thi tuyển, khỏi lo học phí vì Nhà nước tài trợ toàn bộ, (nhưng việc học thì vẫn bình đẳng như mọi sinh viên khác). VĐV thể thao đã giải nghệ của họ cũng có bằng cấp, học vị tham gia vào cuộc sống bình thường như bao nhiêu người không tập luyện thể thao chuyên nghiệp khác.
>> Con tôi cao 6 cm trong một năm nhờ ngày uống ba hộp sữa
Trông người lại ngẫm đến ta. Lò - học viện ở ta chỉ tuyển chọn năng khiếu 14 - 16 tuổi trở lên với chế độ dinh dưỡng và tập luyện không có chương trình nhất quán. Với trường học bình thường, nội bữa ăn cho học sinh thôi lâu lâu lại um xùm lên một vụ "scandal" không nơi này cũng nơi khác.
Còn chương trình thể thao học đường, quanh năm tới tới lui lui cũng chỉ có chạy (100 - 1.000m), nhảy (nhảy cao, nhảy xa), ném tạ dài dài từ lớp 6 đến lớp 12, thậm chí đến tận đại học cũng vẫn những bộ môn điền kinh ấy nhào đi nhào lại. Các môn thể thao đồng đội (thường được mọi người hứng thú nhất) chỉ là chuyện trong mơ với học sinh, sinh viên.
Còn tuyển quốc gia các bộ môn, VĐV giải nghệ xong xem như "vắt chanh bỏ vỏ", cùng lắm là có một suất vào đại học TDTT. Chính sách như vậy, nhà khá giả làm sao muốn cho con em theo nghiệp thể thao? Chính sách như vậy chẳng khác gì "há miệng chờ sung", lâu lâu tuyển được một vài người vượt trội chút (phần lớn là con nhà nghèo). Giải thi đấu cấp U không có, lại chẳng đem đội tuyển quốc gia (vẫn còn ở dạng "năng khiếu") đi "cọ xát" ăn dầm nằm dề ở nước ngoài vài tháng đến hàng năm.
Không có thì phải làm sao cho có (thuộc về chế độ chính sách) chứ cứ phụ thuộc vào nước ngoài hoài sao được? Tư nhân hóa thể thao là ở cấp độ vi mô thôi, chứ chính sách chung, chương trình tập luyện – ăn uống ở cấp độ vĩ mô phải do Nhà nước xây dựng. Đã là Nhà nước xây dựng thì nó phải trở thành luật, buộc mọi cơ sở giáo dục không phân biệt công tư phải tuyệt đối tuân thủ. Chừng nào mà Bộ Giáo dục và Tổng cục TDTT không ngồi bàn lại với nhau đề ra chính sách chung về chế độ dinh dưỡng tập luyện trong học đường thì nền thể thao Việt vẫn như căn nhà không có móng và VĐV thể thao Việt Nam vẫn luôn "thấp bé, nhẹ câ,n mỏng cơm, thể lực yếu".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.