Số xe kể trên cộng gộp từ lượng bán của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) 50.776 xe, TC Motor (bán xe Hyundai) 11.601 xe và VinFast 3.257 xe. Trong số này, chỉ VinFast giảm doanh số, 28%.
Riêng trong tháng 2 sau Tết Nguyên đán, doanh số của các đơn vị trên đều giảm. VAMA bán 21.000 xe, TC Motor 4.173 xe và VinFast 1.154 xe. Mức bán hàng cao trong tháng 1 (39.207 xe) khi thị trường được hâm nóng bởi chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước (Nghị định 103) và tâm lý mua xe chơi Tết, giúp lượng tiêu thụ cộng dồn từ đầu năm vẫn tăng so với cùng kỳ 2021.
Trong bối cảnh phần lớn các hãng đều tăng trưởng, chỉ VinFast và Ford giảm doanh số. Đại diện hai thương hiệu này cho biết, nguồn cung linh kiện thiếu hụt là nguyên nhân chính khiến lượng xe xuất xưởng không đạt như kỳ vọng, doanh số vì thế giảm.
Mẫu bán tải Ranger, chiếm một nửa thị phần của Ford, chỉ giao đến khách hàng 230 xe trong tháng 2, lần đầu sau nhiều năm mất ngôi bán chạy nhất phân khúc vào tay đối thủ Mitsubishi Triton. Doanh số mẫu xe bán chạy nhất Việt Nam, VinFast Fadil trong tháng này chỉ đạt 679 xe, giảm khoảng 50% so với tháng 1. Đây là nguyên nhân chính khiến hãng xe Việt tụt 3 bậc, xuống vị trí thứ 7 trong số các hãng bán xe nhiều nhất thị trường.
Các thành viên VAMA như Toyota, Honda, Kia, Mazda, Suzuki, Mitsubishi đều tăng doanh số sau 2 tháng kinh doanh 2022. Ba vị trí dẫn đầu doanh số toàn thị trường không thay đổi, lần lượt là Hyundai với 11.601 xe, Toyota 10.656 xe và Kia 10.557 xe. Xét riêng mảng xe con, Toyota (không tính Lexus) vẫn là hãng bán nhiều nhất với 10.643 xe, nhỉnh hơn đối thủ Hyundai 443 xe.
Thị trường ôtô tháng 3 hứa hẹn khởi sắc hơn khi nhiều sản phẩm mới hoặc nâng cấp vừa ra mắt thị trường như Toyota Altis, MG5, Mitsubishi Outlander. Bên cạnh một số mẫu xe nguồn cung hạn chế do thiếu linh kiện, thị trường cũng sôi động với nhóm xe sẵn hàng và đang được giảm giá bằng nhiều hình thức tại đại lý.
Thành Nhạn