Trong tháng 2, Mitsubishi Triton vượt qua Ford Ranger trở thành mẫu bán tải bán chạy nhất phân khúc với 294 xe bán ra, trong khi Ranger bán được 230 xe. Ở vị trí số một phân khúc, tuy nhiên số bán của Triton cũng sụt giảm so với mức 700 xe của tháng 1.
Đối với Ranger, đại lý cho biết lượng đặt hàng vẫn cao nhưng nguồn cung linh kiện gặp khó khăn nên mẫu xe lắp ráp trong nước chỉ giao được hơn 200 xe trong tháng 2. Trung bình mỗi tháng đều bán trên 1.000 xe và luôn đứng đầu phân khúc.
Không chỉ Ranger và Triton, các mẫu bán tải còn lại cũng sụt giảm khoảng 50% doanh số so với tháng 1. Cá biệt mẫu Toyota Hilux không giao được xe nào trong tháng 1, nguyên nhân được cho là xe không nhập về được Việt Nam do chưa đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải Euro 5.
Trong tháng 1, Hilux cũng chỉ giao được 9 xe, và tình trạng thiếu hàng có thể kéo dài trong 1-2 tháng tới. Các mẫu xe khác như Mazda BT-50, Isuzu D-Max cũng giảm 50% doanh số so với tháng 1.
So với bình quân 2021, doanh số nhóm bán tải giảm tới 30-50%. Trong đó giảm mạnh nhất là Ranger và Hilux. BT-50 hay D-max có mức giảm thấp hơn, Triton có doanh số bình quân ổn định nhất trong phân khúc.
Theo các đại lý, đa số các xe đều đang về ít dần, nhiều khách hàng quan tâm nhưng không đúng phiên bản mong muốn. Lượng xe ít cũng khiến mức khuyến mãi nhóm bán tải thấp hơn so với các dòng xe khác.
Trong phân khúc này, Ranger đang là mẫu xe duy nhất lắp ráp trong nước. Các mẫu xe còn lại đều nhập khẩu Thái Lan, riêng Nissan Navara không cung cấp doanh số bán hàng.
Phân khúc bán tải luôn là nhóm xe có sự phân hóa doanh số rõ rệt khi Ranger bỏ xa nhóm xe còn lại, có nhiều thời điểm doanh số tất cả các mẫu bán tải cộng lại không bằng nửa Ranger.
Ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nguồn cung và tiêu chuẩn khí thải mới đang làm những mẫu xe nhập khẩu ít về Việt Nam hơn, trong đó ảnh hưởng nhất là phân khúc bán tải, nơi các xe đều sử dụng động cơ diesel với tiêu chuẩn khí thải chỉ khoảng Euro 4.
Ánh Dương