Hai năm trước, gia đình chị Ánh My, 40 tuổi, ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) bị trộm đột nhập từ ban công tầng 5. Sau lần đó, chị bỏ tiền lắp 5 camera giám sát tại các tầng và sân, gọi thợ đến làm lồng sắt quây kín ban công, cửa sổ. Điều này đồng nghĩa lối thoát hiểm duy nhất cho 10 người nhà chị chỉ còn cửa ra vào.
Không tiếc tiền chống trộm nhưng khi phường vận động các hộ lắp thiết bị cảnh báo cháy, dập lửa chị My từ chối vì thấy phí phạm. "Nếu lắp đặt cũng phải mất cả triệu đồng mà chưa chắc đã dùng, để lâu lại hỏng", chị nói. Theo chị, chỉ cần các thành viên trong nhà ý thức mỗi lần ra ngoài ngắt cầu dao, không sạc đồ điện tử qua đêm hoặc không tích trữ thiết bị dễ cháy nổ, bén lửa là đủ.
Không riêng nhà chị My, hơn 90% hộ dân sống xung quanh cũng làm lồng sắt quây kín nhà để phòng trộm hoặc ngăn trẻ nhỏ leo trèo, dễ sảy chân ngã.
Ngay khi đón mẹ vợ lên trông cháu, anh Phùng Hưng, 32 tuổi, ở quận Hải An (Hải Phòng), thuê thợ làm "chuồng cọp" quây kín ban công các tầng và tum đề phòng kẻ gian đột nhập lúc vợ chồng đi làm.
Là người chuộng đồ công nghệ, anh trang bị thêm khóa cửa bằng vân tay, hệ thống chuông tích hợp camera cho phép quan sát người bên ngoài trước khi mở. Tổng chi phí lắp đặt các thiết bị gần 100 triệu đồng.
Khi bạn bè hỏi vì sao không lắp đặt các thiết bị cảm biến nhiệt, chuông báo cháy hay bình cứu hỏa trong nhà, anh Hưng nói không cần thiết. "Đối phó với trộm mới khó, chứ phát hiện cháy chỉ cần mở cửa chạy ra ngoài là được", Hưng nói.
Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH), Công an TP Hà Nội, cho biết tâm lý lo chống trộm hơn chống cháy của người dân là thực tế tồn tại trong nhiều năm. "Mọi người sẵn sàng chi tiền làm "chuồng cọp", lắp camera, nhưng hiếm ai trang bị bình cứu hỏa, chưa nói đến việc lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy. Chúng tôi liên tục tuyên truyền, vận động nhưng vẫn chỉ như muối đổ bể", ông Hiếu nói.
Năm 2021, UBND TP Hà Nội ban hành Quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Theo đó, nếu nhà ở riêng lẻ cao trên 6 tầng hoặc có trên một tầng hầm có một lối ra thoát nạn là cửa chính thì cần bố trí tối thiểu một lối ra khẩn cấp (qua ban công, lô gia, cửa sổ có mặt ngoài thông thoáng, lối lên mái nhà hoặc bằng thang sắt, ống tụt, thang dây ngoài nhà).
Trường hợp lối thoát qua lồng sắt, lưới sắt, phải có ô cửa có kích thước tối thiểu 0,6x0,8 m để cho người di chuyển thuận lợi. Với nhà ở riêng lẻ dưới 6 tầng, hiện không có quy định cụ thể về lối thoát nạn. Luật Phòng cháy chữa cháy chỉ quy định: Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.
Thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 70% là nhà ống; hàng trăm nghìn nhà ở kết hợp với kinh doanh chỉ có một lối thoát nạn là cửa ra vào.
Với kinh nghiệm xử lý nhiều vụ hỏa hoạn, đại tá Hiếu cho biết khi xảy hỏa hoạn, thời điểm vàng để thoát thân, dập lửa là hai, ba phút đầu tiên. Không có thiết bị báo động sớm, thiết bị dập lửa chuyên dụng, thiếu kỹ năng thoát thân, kết hợp với việc phá dỡ chuồng cọp mất nhiều thời gian, dễ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. "Hậu quả đã thấy nhưng tâm lý sợ trộm hơn sợ cháy chưa thể thay đổi", ông Hiếu nói.
Sự chênh lệch rất lớn của thị trường thiết bị giám sát, an ninh và thiết bị phòng cháy, chữa cháy cho thấy tâm lý này của người Việt nặng nề.
Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường và tư vấn đầu tư Nhật Bản B&Company cho biết riêng trong năm 2021, người Việt mua thêm 4 triệu camera an ninh, tổng giá trị hơn 54 triệu USD. Báo cáo khác của Global Web Index cho thấy, Việt Nam và Singapore là hai quốc gia Đông Nam Á trong top 10 nước có tỷ lệ sở hữu các thiết bị nhà thông minh (trong đó có camera an ninh) cao nhất thế giới.
Các xưởng cơ khí cũng ghi nhận nhu cầu lắp đặt lồng sắt bịt kín mặt tiền, chặn hết các phương án thoát nạn khẩn cấp tại các hộ gia đình, gia tăng.
Nhiều thợ cơ khí cho biết nhu cầu làm "chuồng cọp" tăng đều các năm. Ngoài nhà ống, không ít hộ dân sống ở khu tập thể - nơi có điều kiện cơ sở vật chất không tốt, đường dây điện chằng chịt dễ xảy ra cháy nổ vẫn làm rào quây kiên cố. "Trước khi lắp đặt tôi đều khuyên gia đình nên mở một lối thoát hiểm để đảm bảo an toàn, phòng có hỏa hoạn khó thoát thân. Nhưng hơn 90% đều từ chối vì lo trộm phá khóa, số khác sợ cất chìa khóa quá kỹ không tìm ra", anh Trần Phong, chủ một xưởng cơ khí tại Hải Phòng nói.
Trái ngược với sự sôi động của thị trường thiết bị chống trộm, chị Nguyễn Vân, chủ một đơn vị chuyên cung cấp các thiết bị phòng cháy chữa cháy hơn 10 năm tại Hà Nội, cho biết đơn vị chủ yếu cung cấp các đơn hàng lớn cho các khu chung cư, nhà máy, xí nghiệp, trung tâm thương mại. Số các gia đình tìm mua bình cứu hỏa, thiết bị cảnh báo cháy "đếm trên đầu ngón tay". "Họa hoằn lắm mới có người đến mua bình cứu hỏa còn thiết bị cảnh báo cháy gần như không có", chị Vân nói.
Lý giải về điều này, chủ cửa hàng nêu ba lý do. Một là, do tâm lý chủ quan. Hai là, e ngại chi tiền cho các thiết bị chữa cháy nhưng không chắc đã sử dụng. Và cuối cùng là chưa có quy định rõ ràng trong luật về trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy bắt buộc trong các hộ gia đình đơn lẻ. Điều này khiến những đơn vị cung cấp thiết bị PCCC khó tiếp cận đến nhóm khách lẻ, dù giá bán dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài chục triệu đồng.
"Cũng chính bởi tâm lý chủ quan, nghĩ không cần thiết mà thời gian qua đã ghi nhận nhiều vụ tai nạn thương tâm", đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng PCCC & CNCH nói.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong 5 năm, tính đến năm 2022, toàn quốc xảy ra hơn 17.000 vụ cháy, làm 433 người chết. Địa bàn xảy ra cháy chủ yếu ở thành thị (60%), nguyên nhân phần lớn do sự cố hệ thống, thiết bị điện (45% số vụ). Chỉ tính riêng bốn tháng đầu năm nay, toàn quốc xảy ra 522 vụ cháy, trung bình hơn bốn vụ mỗi ngày, làm chết và bị thương 46 người. Đáng chú ý, một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra tại nhà ống, nhà phân lô, nhà ở kết hợp kinh doanh nhà trọ, nhà kho, xưởng sản xuất.
Trước thực trạng trên, đại tá Phạm Trung Hiếu khuyến cáo người dân phải tính phương án "trộm vẫn chống nhưng cháy phải thoát". Ngoài cập nhật kiến thức PCCC & CNCH, mỗi gia đình cần trang bị đầy đủ bình chữa cháy, búa tạ, thang dây... đặt ở những chỗ thuận tiện nhất; nếu làm chuồng cọp cần mở lối thoát hiểm. Bên cạnh đó cũng cần thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tích cực tuyên truyền, kiểm tra và kịp thời ứng cứu trong các tình huống khẩn cấp.
"Chỉ khi hình thành tâm lý sợ cháy, trong đầu luôn nghĩ hỏa hoạn có thể rình rập mọi nơi, chúng ta mới tìm cách phòng, chống và giảm thiểu tối đa thiệt hại", ông Hiếu khẳng định.
Từng suy nghĩ chống trộm cấp thiết hơn chống cháy, nhưng chứng kiến gia đình hàng xóm thiệt hại hàng tỷ đồng về tài sản sau hỏa hoạn vì chập điện, vợ chồng chị Ngọc Thủy, 30 tuổi, ở huyện Mê Linh (Hà Nội) mới lắp thêm thiết bị cảnh báo cháy.
Chị chọn mua một bộ thiết bị PCCC cơ bản gồm bình cứu hỏa, chuông cảnh báo cháy và búa tạ với giá một triệu đồng, đặt sẵn ở những vị trí dễ thấy. Khu vực "chuồng cọp" ở tầng 3 cũng thuê thợ đến mở thêm cửa thoát hiểm. Chìa khóa được giấu ở gần đó, nhưng đảm bảo mọi thành viên trong nhà đều biết.
"Mỗi cá nhân chỉ cần nâng cao ý thức trong việc phòng chống cháy nổ, những vụ việc đau lòng mới không xảy ra", chị Thủy nói.
Quỳnh Nguyễn
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi