Độc giả: Minh Hưng
Ông Mai Phương Thuấn, người có hơn 10 năm kinh nghiệm về lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy tại quận Cầu Giấy, Hà Nội nhận định, việc đầu tư thiết bị này tại nhà riêng hiện chưa được nhiều người quan tâm do tính chủ quan.
Tuy nhiên sau những vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thời gian qua, các gia đình nên trang bị thêm một số thiết bị phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn để sớm khắc phục sự cố.
1. Đối với Phòng cháy, hiện nay có hai dòng thiết bị được ứng dụng phổ biến là: Hệ thống báo cháy có dây (truyền thống) và hệ thống báo cháy không dây. Hệ thống này phát hiện đám cháy thông qua kết quả của đám cháy như khói, nhiệt.
Hệ thống báo cháy có dây gồm: tủ trung tâm; thiết bị cảm biến báo cháy khói, nhiệt, nút ấn bằng tay; thiết bị cảnh báo như chuông, còi đèn... Hệ thống này hoạt động nhờ điện lưới có sẵn trong mỗi hộ gia đình. Ưu điểm là giá thành rẻ, có nhiều sản phẩm phổ dụng trên thị trường.
Tuy nhiên hệ thống này lắp đặt phức tạp, cần đi dây dẫn gây phát sinh thêm chi phí nhân công và thiết bị phụ kiện kèm theo, phù hợp lắp đặt với nhà xây mới hoặc nhà nhiều tầng, nhiều phòng.
Hệ thống báo cháy không dây gồm các thiết bị độc lập: thiết bị cảm biến khói nhiệt, bộ xử lý trung tâm, thiết bị cảnh báo sẽ liên kết với nhau bởi tín hiệu không dây. Hệ thống này có thể gửi thông tin tới ứng dụng quản lý trên điện thoại di động hoặc tự động quay số báo cho chủ nhà khi có tình huống cháy được phát hiện. Hệ thống hoạt động bằng pin và tuổi thọ có thể tới 5 năm.
Ưu điểm là giá thành tốt, lắp đặt nhanh chóng, dễ dàng, đảm bảo tính thẩm mỹ. Ngoài ra thiết kế nhỏ gọn nên thích hợp sử dụng trong các công trình dân sinh, nhà ở, cửa hàng, văn phòng, hoặc khu vực không có người trực, không có điện lưới.
Trường hợp của độc giả, vì dạng nhà ống, diện tích nhỏ, có thể tham khảo cảm biến báo cháy không dây.
Hệ thống báo cháy không dây chia làm hai loại: đầu báo nhiệt và đầu báo cảm biến khói.
Đầu báo nhiệt: Sử dụng cảm biến nhiệt để phát hiện đám cháy, hoạt động dựa theo sự gia tăng nhiệt độ và ngưỡng nhiệt cố định để phát hiện có cháy, thường được chế tạo theo hai nhóm A, B. Nhóm A có nhiệt độ cố định khoảng 60 độ C. Nhóm B có nhiệt độ cố định khoảng 80 độ C. Tùy vào mức nhiệt độ lớn nhất của khu vực cần bảo vệ để lựa chọn loại đầu báo, tuy nhiên ngưỡng nhiệt độ báo động phải lớn hơn 20 độ C.
Đầu báo cảm biến khói: Sử dụng cảm biến phân tích, xác định khói trong thành phần không khí để đưa ra cảnh báo cháy.
Theo ông Thuấn, tại khu vực bếp hay phòng khách, nơi thường xuyên có khói trong quá trình nấu nướng hay khói thuốc lá, nên lắp đầu báo nhiệt, tránh trường hợp báo khói giả. Những phòng còn lại có thể lắp đầu báo cảm biến khói.
Giá những đầu báo này khoảng từ 150.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
2. Đối với chữa cháy, hiện có 3 dạng bình chữa cháy xách tay là: dạng bột, bình CO2 và bình chữa cháy mini.
Bình chữa cháy dạng bột dùng chữa các vật liệu cháy có đặc tính khác nhau, được ký hiệu lần lượt là A (chữa cháy chất rắn), B (chữa cháy chất lỏng), C (chữa cháy chất khí)
Ví dụ, nếu bình ghi BC sẽ dập được đám cháy mà sự cháy do chất lỏng hoặc chất khí, bình ABC dập được ba loại đám cháy mà sự cháy do chất rắn, lỏng và khí.
Bình chữa cháy dạng bột được sản xuất theo trọng lượng, có các loại bình 4 kg, 6 kg, 8 kg. Các loại bình bột không nên dùng để phun vào các thiết bị điện tử, thiết bị công nghệ cao như máy tính, vì bột có thành phần muối, sẽ làm hư hại thiết bị.
Giá của loại bình 4 kg là 250.000-400.000 đồng
Bình chữa cháy khí CO2 có tác dụng làm loãng thành phần Oxy trong không khí xung quanh đám cháy, chuyên sử dụng để chữa cháy chất lỏng (xăng, dầu, cồn), chữa cháy khí (methan, gas) và các thiết bị điện khi cháy. Loại bình này không sử dụng chữa các chất cháy có gốc kim loại kiềm, kiềm thổ (như nhôm, chất nổ đen...), vì sẽ làm đám cháy mạnh hơn. Bình CO2 có thể chữa cháy được các đám cháy A, B, C và đám cháy do điện, không nên sử dụng cho khu vực phòng kín hoặc đứng cuối gió, vì khi đó khí CO2 sẽ gây ngạt cho người chữa cháy.
Ngoài ra, khí CO2 được phun ra sẽ có nhiệt độ âm 73 độ C, vì vậy, người sử dụng không được phun trực tiếp vào người khác, hoặc cầm vào loa bình, sẽ bị bỏng lạnh.
Giá của bình chữa cháy CO2 là 400.000-500.000 đồng
Bình chữa cháy mini: Bình chữa cháy mini 300 ml - 500 ml là lại bình chữa cháy nhỏ gọn, với chất chữa cháy chính là bọt (Foam) hoặc các dung dịch chất chữa cháy gốc nước. Foam là dạng chất chữa cháy bọt, có tác dụng che phủ bề mặt chất cháy để ngăn chất cháy tiếp xúc với không khí xung quanh.
Trong bình chứa chất bọt có công thức mở rộng gấp 40 lần kích thước để dập tắt ngọn lửa trước khi chúng vượt ngoài tầm kiểm soát. Khả năng chữa cháy của loại bình này phù hợp cho đám cháy nhỏ, mới phát sinh hoặc hạn chế các đám cháy để thoát nạn.
Giá bình chữa cháy mini: Từ 100.000 đồng trở lên.
3. Thiết bị thoát nạn khi tình huống hỏa hoạn xảy ra: Thang dây thoát hiểm và dây thoát hiểm.
Thang dây thoát hiểm dùng để thoát khỏi vị trí nguy hiểm từ độ cao nhất định, gồm: dây thang, thanh bậc thang, bát móc, móc khóa an toàn, bu lông nở.
Được cấu tạo với chất liệu bền nhẹ, thang dây chữa cháy sử dụng khá đơn giản. Quan trọng là khi sự cố cháy xảy ra phải bình tĩnh, lựa chọn được vị trí an toàn để thả thang. Vị trí thích hợp thường là ban công nơi xe cứu hỏa có thể tiếp cận nhanh nhất để hỗ trợ quá trình thoát nạn. Khi thoát hiểm cần đảm bảo thang được lắp đặt chắc chắn, các bát móc, móc khóa an toàn được móc chặt vào lan can.
Giá thang dây: 1- 2 triệu đồng.
Dây thoát hiểm nhà cao tầng là thiết bị thiết yếu cứu hộ cá nhân, có thể tự thoát hiểm cho gia đình khi xảy ra hỏa hoạn hoặc một số trường hợp khẩn cấp. Người già, trẻ em có thể sử dụng dễ dàng do cách vận hành đơn giản với tốc độ chậm.
Giá dây thoát hiểm: 3-20 triệu đồng.
Theo ông Thuấn, phần lớn các vụ hỏa hoạn là do sự cố về điện hoặc sự bất cẩn của con người. Vì vậy cần nâng cao cảnh giác, phòng ngừa để tránh các tình huống đáng tiếc.
- Không sử dụng nhiều thiết bị điện tại một vị trí ổ cắm.
- Nắm bắt và theo dõi thường xuyên dây dẫn điện, ổ cắm, công tắc, aptomat đang hoạt động
- Hạn chế và theo dõi thường xuyên các vị trí trong nhà có sử dụng nguồn lửa nguồn nhiệt (khu vực bếp, gian thờ, khu vực hút thuốc....)
- Trước khi ra khỏi nhà tắt hết nguồn điện không cần thiết.
- Theo dõi và dập tắt hoàn toàn các nguồn lửa, nguồn nhiệt (đốt hương, đốt thuốc lá, bếp nấu ăn...) trước khi ra khỏi nhà.
Ngoài ra, để đảm bảo khả năng thoát nạn khi tình huống hỏa hoạn xảy ra, cần chú ý các việc sau:
- Các lối thoát nạn, cửa ra vào, lối đi lên mái, cửa tầng mái, cầu thang phải thông thoáng, không để hàng hóa hay vật dụng làm hạn chế lối đi.
- Không nên làm hàng rào (chuồng cọp) tại ban công các tầng hoặc tầng mái. Nếu làm phải thiết kế có cửa mở (không nên hàn kín) để có thể sử dụng khi cần thiết.
Trang Vy