Trả lời:
Hiện nay chưa có biện pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn suy thận mạn tính.
Bệnh thận mạn tính được chia thành 5 giai đoạn. Từ giai đoạn từ một đến giai đoạn 4 có thể điều trị bảo tồn làm chậm tiến triển của bệnh thận, cải thiện triệu chứng, hạn chế xuất hiện biến chứng và phát hiện sớm các biến chứng để điều trị kịp thời, nâng cao chất lượng sống người bệnh.
Bệnh nhân cần thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, hạn chế đồ uống có cồn, tập thể dục hàng ngày tùy theo tình trạng sức khỏe, tránh gắng sức quá mức, giảm lượng protein (thịt, cá), giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày. Mức độ giảm muối và giảm đạm còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể cũng như mức độ giảm chức năng thận.
Bên cạnh đó, người bệnh cần được điều trị và kiểm soát các biến chứng như rối loạn điện giải, tăng huyết áp, tăng axit uric máu, rối loạn lipid máu, thiếu máu, loãng xương...
Tuy nhiên điều trị bảo tồn làm chậm tiến triển suy thận sẽ rất khó khăn và kém hiệu quả nếu phát hiện muộn hoặc bệnh đã tiến triển đến giai đoạn suy thận nặng.
Khi các bác sĩ đánh giá suy thận thuộc giai đoạn 5 (giai đoạn cuối), tức là chức năng thận chỉ còn khoảng dưới 10% bình thường, không còn đảm bảo chức năng vốn có. Lúc này, để duy trì sự sống, người bệnh bắt buộc phải được điều trị thay thế thận suốt đời.
Hiện có ba phương pháp điều trị thay thế thận là chạy thận nhân tạo chu kỳ, lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc) và ghép thận. Mỗi một phương pháp điều trị đều có những ưu nhược điểm riêng, do bác sĩ chỉ định phù hợp.
Tuy nhiên, trường hợp phải lọc máu hoặc ghép thận thì chi phí điều trị sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với giai đoạn đầu. Người bệnh cũng có nguy cơ gặp nhiều biến chứng liên quan đến lọc máu cũng như các thuốc chống thải ghép thận và phải phụ thuộc nhiều hơn vào bệnh viện.
Để phòng bệnh thận mạn tính và suy thận mạn tính, cần thực hiện lối sống lành mạnh, ăn cân bằng, uống đủ nước, không ăn mặn, hạn chế đồ ăn nhanh và lạm dụng thức uống có cồn, nói không với thuốc lá. Tập thể dục thể thao hàng ngày tùy theo tình trạng sức khỏe từng cá nhân. Tránh sử dụng thuốc bừa bãi đặc biệt là các thuốc không cần kê đơn, thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc.
Điều trị triệt để các bệnh lý cấp tính như nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn ngoài da, nhiễm trùng đường tiết niệu cũng như kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh lý ác tính, bệnh tự miễn dịch, sỏi tiết niệu...để phòng bệnh.
Người dân cần chủ động đi khám kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát bệnh thận ít nhất một lần mỗi năm. Khi có những dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh thận như mệt mỏi, xanh xao, ăn uống kém, buồn nôn và nôn, rối loạn tiểu tiện... cần đi kiểm tra.
Hiện chỉ cần xét nghiệm máu kiểm tra chức năng thận, tổng phân tích nước tiểu và siêu âm hệ tiết niệu là có thể sàng lọc và phát hiện sớm suy thận mạn tính. Các xét nghiệm chuyên sâu sẽ được chỉ định khi cần thiết để tìm nguyên nhân hoặc đánh giá giai đoạn của suy thận mạn tính được chính xác hơn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh
Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội