Lee Geung-ja gần 20 năm trước bị tai nạn lao động khi đang làm ca đêm trong một nhà máy tại Triều Tiên. Nhựa nóng chảy làm phần lớn lông mày và mí mắt trái bị huỷ hoại, khiến khuôn mặt bà biến dạng. Bà tự miêu tả mình là "một con quái vật", theo New York Times.
Lee vượt biên sang Hàn Quốc vào năm 2010 và sống lầm lũi từ đó đến nay. Ngại tiếp xúc với người khác nên bà chọn làm công việc quét dọn ban đêm. Thực trạng xã hội Hàn Quốc ngày nay quá đề cao ngoại hình khiến bà càng thêm mặc cảm.
"Khi phải ra đường hay gặp mặt người khác, tôi luôn bất giác cúi đầu hoặc quay sang trái để che giấu", bà Lee, 40 tuổi, trả lời trong một bài phỏng vấn. "Ở Hàn Quốc, đến cả những người xinh đẹp vẫn phải đụng đến dao kéo thì gương mặt của tôi thật chẳng đáng so bì".
Tin vui là giờ đây Lee sẽ nhận được món quà mà bà chưa từng dám mơ đến. Một bác sĩ thẩm mỹ tình nguyện giúp đỡ tái tạo khuôn mặt của bà, giúp bà lấy lại sự tự tin. Đây là kết quả của một chương trình do cơ quan cảnh sát phối hợp cùng các tình nguyện viên từ Hiệp hội Bác sĩ Thẩm mỹ Hàn Quốc khởi xướng trong năm nay, nhằm hỗ trợ những người Triều Tiên vượt biên sang Hàn Quốc đang mang trên mình những vết sẹo của quá khứ.
Từ khi có thông tin về chương trình phẫu thuật thẩm mỹ miễn phí, hàng trăm người đã đến đăng ký. Họ đều mang những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Một người đàn ông đến xin nhận trợ giúp vì anh không thể thở bằng mũi. Chiếc mũi của anh bị dập hoàn toàn vì một tai nạn khi khai thác gỗ. Lại có một phụ nữ phải cắt bỏ một bên ngực vì ung thư. Cô hy vọng các bác sĩ sẽ giúp cô lấy lại vẻ bề ngoài để có thể tự tin đi hẹn hò hay chí ít là đến nhà tắm công cộng.
Rất nhiều trong số 28.000 người Triều Tiên sang Hàn Quốc đang phải chịu đựng những gánh nặng cản trở họ hòa nhập với cuộc sống nơi đây. Họ thường nhận được ít thù lao hơn và bị đối xử như những nhân công tay nghề thấp. Họ ám ảnh bởi ký ức về những thân nhân bị chết đói hoặc bắt giam hay bởi lo lắng cho người nhà còn ở lại Triều Tiên.
Kim Kyeong-suk, giám đốc đồn cảnh sát Yongsan, Seoul, là người đề xướng chương trình này, đồng thời giúp những người Triều Tiên liên hệ với các bác sĩ thẩm mỹ. Ý tưởng trên nảy sinh sau khi bà được nghe nhiều câu chuyện về việc người Triều Tiên không thể xin việc vì những vết sẹo trên người.
"Tôi thường xuyên thấy người Triều Tiên chạy sang đây mang trên mình những vết sẹo xấu xí. Các đường khâu có phần thô kệch để lại trên bụng họ những con rết đáng sợ", bà chia sẻ.
Với Lee Cheon-seong, chỉ một hình xăm thôi cũng đủ khiến ông là người yêu nước ở nơi này nhưng lại thành dân xã hội đen ở nơi khác.Năm ngoái, Lee trốn sang Hàn Quốc vì một bê bối liên quan đến chính trị. Chỉ khi sang đến đây ông mới biết người Hàn Quốc thường liên hệ xăm mình với những tội phạm có tổ chức.
"Hình xăm luôn gây trở ngại mỗi khi tôi đi phỏng vấn xin việc. Nó khiến tôi không được nhận", ông Lee, 45 tuổi, nói.
Bác sĩ Hong Jeong-geun, thành viên ban điều hành Hiệp hội Bác sĩ Thẩm mỹ Hàn Quốc, là người đang giúp Lee xoá hình xăm trên tay. Ông Hong cho biết các bác sĩ thẩm mỹ tự nguyện tham gia chương trình cũng một phần là để quảng bá hình ảnh của họ. Đến nay đã có 12 bác sĩ tiếp cận được với đối tượng cần trợ giúp thông qua chương trình trên.
Khát khao hòa nhập
Người có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ thường kéo nhau đến Seoul. Tại đây mọc lên hàng trăm phòng khám mở dịch vụ tư vấn phẫu thuật thẩm mỹ. Người ta còn có sẵn dịch vụ phiên dịch cho các bệnh nhân đến từ Trung Quốc. Áp phích miêu tả hiệu quả sau phẫu thuật phủ kín các bến tàu điện ngầm. Phẫu thuật thẩm mỹ còn là món quà phổ biến mà các bậc phụ huynh ở Hàn Quốc tặng cho con gái khi tốt nghiệp cấp ba và đại học.
Những người phản đối nói phẫu thuật thẩm mỹ đã đi quá xa, làm hình thành suy nghĩ rằng cứ đạt chuẩn mực bề ngoài là người ta sẽ có công việc tốt và hôn nhân vừa ý.
"Khi con của các bác sĩ thẩm mỹ hỏi cha mẹ chúng làm nghề gì, nhiều người trong chúng tôi nay không còn thấy tự hào khi nói về công việc của mình nữa", ông Hong, là chủ một phòng khám thẩm mỹ ở Seoul, nói. Ông tham gia chương trình và đã giúp đỡ ba người.
Nhưng đối với các sĩ quan cảnh sát, việc hỗ trợ người rờiTriều Tiên thích nghi với cuộc sống ở Hàn Quốc có thể coi như một thử nghiệm xử lý sự cố thực tế trong trường hợp hai miền Bắc, Nam đoàn tụ. Nhằm hỗ trợ dự án này, chính phủ Hàn Quốc còn cung cấp nơi ở miễn phí, trợ cấp giáo dục, đào tạo tay nghề cho các đối tượng người Triều Tiên.
Theo một báo cáo do nhà chức trách Hàn Quốc công bố năm ngoái, người Triều Tiên sang Hàn Quốc gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Thu nhập bình quân của họ chỉ bằng 66% thu nhập bình quân của người Hàn Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp thì cao gấp 4 lần trung bình cả nước. Tỷ lệ tự tử cao gấp ba lần.
"Nhiều lúc tôi có suy nghĩ sẽ tự tử cùng đứa con trai 5 tuổi của mình để thoát khỏi cuộc sống khổ cực này", Kim Seon-ah, 37 tuổi, nói. Kim muốn xóa đi những vết bỏng thuốc lá trên đầu và ngực do người chồng Trung Quốc của cô gây ra. Người đàn ông này mua Kim từ bọn buôn người sau khi cô từ Triều Tiên sang Trung Quốc vào năm 2003.
Lee, công nhân nhà máy nhựa, kể lại sau khi gặp tai nạn bà không được cấp thuốc men nên chỉ biết dùng muối để sát trùng vết thương. Rời Triều Tiên giữa nạn đói kinh hoàng năm 1998, bà vào Trung Quốc dưới dạng nhập cư bất hợp pháp. Bị trả về ba lần nhưng bà vẫn nỗ lực bỏ trốn. Cuối cùng, bà được một người đàn ông Trung Quốc mua lại và sinh một bé trai.
Lee gần đây có buổi tiếp xúc đầu tiên với bác sĩ thẩm mỹ Park Sang-hyeon. Bác sĩ nói trường hợp của bà sẽ cần vài lần phẫu thuật, kéo dài hàng tháng với nhiều đau đớn đi kèm.
Bà chấp nhận, bất chấp con đường cam go phía trước vì một giấc mơ quá đỗi giản dị là được đi họp phụ huynh cho con trai đang học lớp ba. "Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là con trai tôi sẽ cảm thấy xấu hổ với các bạn trong lớp vì bề ngoài của mẹ nó", bà nói.
Gia Quang