Khi Jang Yeong-jin trốn khỏi Triều Tiên và đến Hàn Quốc năm 1997, các quan chức Hàn Quốc đã tra hỏi ông trong 5 tháng nhưng vẫn ngần ngại thả ông. Vì họ vẫn còn một câu hỏi chưa có lời đáp: Tại sao Jang quyết định mạo hiểm vượt qua biên giới được bảo vệ bằng rất nhiều vũ khí giữa hai miền Triều Tiên?
"Tôi đã quá xấu hổ để có thể thú nhận rằng tôi đến đây vì tôi không tìm thấy sự hấp dẫn về mặt tình dục từ vợ", ông Jang nói. "Tôi không thể giải thích điều gì khiến tôi buồn phiền khi sống ở Triều Tiên, bởi vì trước khi sang Hàn Quốc, tôi không biết tôi là người đồng tính hay thậm chí đồng tính luyến ái là gì".
Jang, 55 tuổi, là người trốn khỏi Triều Tiên duy nhất công khai mình là người đồng tính, đang sống tại Hàn Quốc. Khuynh hướng tình dục của ông được hé lộ năm 2004, khi ông bị lừa đảo mất tất cả tiền tiết kiệm và phải liên lạc với các nhà hoạt động vì quyền lợi của người đồng tính để xin giúp đỡ. Kể từ đó, ông cố sống thật lặng lẽ ở Hàn Quốc, nơi đồng tính luyến ái vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi.
Hồi cuối tháng 4, Jang xuất bản một cuốn tự truyện, mô tả cuộc sống của mình ở Triều Tiên. Theo Jang thì Bình Nhưỡng vẫn cho rằng đồng tính luyến ái không tồn tại ở nước họ, vì mọi người dân sống với một "tâm lý lành mạnh và đạo đức tốt".
"Ở Triều Tiên, người bình thường không thật sự hiểu đồng tính luyến ái là gì", Joo Sung-ha, người từng theo học Đại học Kim Il-sung ở Bình Nhưỡng những năm 1990, và hiện đang làm phóng viên cho nhật báo Dong-A Ilbo của Hàn Quốc, nói. "Trong trường đại học của tôi, chỉ có một nửa số sinh viên có thể từng nghe nói đến khái niệm này. Nhưng thậm chí kể cả họ có biết đi chăng nữa, thì họ luôn coi đồng tính như một loại bệnh tâm thần lạ và mơ hồ, tác động xấu đến con người".
Jang cho biết ông chưa bao giờ nghe nói về đồng tính luyến ái khi lớn lên ở Chongjin, bờ biển phía đông Triều Tiên, ngay cả khi ông cảm thấy thích một cậu bạn tên là Seon-cheol. Họ tiếp tục làm bạn sau khi chuyển đến Bình Nhưỡng, nơi họ theo học ở các trường đại học khác nhau.
"Khi tàu điện ngầm đông, tôi thường ngồi trên đùi Seon-cheol, và cậu ấy sẽ ôm tôi từ phía sau", ông Jang kể lại. "Chẳng ai để ý cả, họ đều nghĩ chúng tôi là bạn từ thời thơ ấu".
Hai người tách ra năm 1976, khi họ nhập ngũ ở đơn vị khác nhau năm 17 tuổi. Trong quân đội, việc đụng chạm cơ thể lại trở thành vấn đề sống còn. "Vào mùa đông, mỗi người lính chỉ được cho hai chiếc chăn cũ và ít nhiệt sưởi ấm. Chúng tôi thường phải tìm bạn để ôm nhau ngủ, nhằm giữ ấm ban đêm", Jang kể.
Jang xuất ngũ năm 1982 vì mắc bệnh lao. Trở về Chongjin, ông phụ trách công việc về liên lạc không dây tại các cảng. Năm 1987, ông kết hôn với một giáo viên dạy toán trong một cuộc hôn nhân sắp đặt.
"Hầu hết những người đàn ông đồng tính ở Triều Tiên đều sẽ lấy vợ, dù họ muốn hay không", Jang nói. "Đêm tân hôn, tôi cứ nghĩ đến Seon-cheol và không thể chạm vào vợ tôi".
Sau nhiều năm kết hôn mà không có con, vợ chồng ông nghe lời họ hàng đi khám để xem có vấn đề sinh lý nào không. Kết quả là hai người đều bình thường. Jang đệ đơn xin ly dị nhưng bị vợ từ chối. Vợ ông mong muốn ông ở lại vì sợ mất việc. Jang nối lại quan hệ với Seon-cheol, người đã giải ngũ rồi kết hôn với một y tá và có hai con.
Hai người bạn thỉnh thoảng đến thăm nhau. Hai bà vợ để họ ngủ chung vì nghĩ rằng đó là thói quen từ thời thơ ấu. Một đêm, Jang rời giường khi đang nằm với vợ để vào ngủ cùng với Seon-cheol. Tuy nhiên, người bạn không có phản ứng và vẫn tiếp tục ngáy.
"Đó là lúc tôi nhận ra cuộc sống của tôi là một nhà tù và tôi không có hy vọng", ông nói. "Tôi muốn bay đi tìm tự do. Tôi cũng muốn vợ tôi được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân không tình yêu".
Mùa đông năm 1996, ông bơi qua dòng sông đóng băng để vào Trung Quốc. Sau khi tìm kiếm đường sang Hàn Quốc trong suốt 13 tháng mà không thành, Jang bí mật trở lại Triều Tiên và trốn thoát sang biên giới Hàn Quốc năm 1997. Jang là một trong số ít những người vượt qua được biên giới hai miền gài mìn rải rác. Cuộc đào tẩu của ông trở nên nổi tiếng.
Khi sang Hàn Quốc, các quan chức đã thả Jang sau khi ông trình bày về việc gặp vấn đề trong hôn nhân. Tuy nhiên, Jang vẫn không hoàn toàn hiểu được khuynh hướng tình dục của mình cho đến khi ông đọc một bài báo về quyền đồng tính năm 1998, cho biết có các quán bar đồng tính ở Seoul . "Cứ như thể là thế giới của tôi được rọi sáng", ông nói.
Nhưng Jang vẫn gặp khó khăn khi hòa nhập với cuộc sống ở Hàn Quốc. Năm 2004, một người đồng tính lừa đảo Jang và lấy mất số tiền tiết kiệm của ông. Cũng vào khoảng thời gian này, ông được thông báo rằng ba anh trai và em gái của mình ở Triều Tiên đã chết, sau khi gia đình bị trục xuất khỏi làng vì vụ đào tẩu của ông. Vợ ông ban đầu cũng bị đuổi ra khỏi làng, nhưng sau đó đã được cho phép ở lại.
Jang hiện sống bằng nghề lao công tại một tòa nhà ở trung tâm Seoul từ 4h đến16h. Không phải là một cuộc sống dễ dàng, ông thừa nhận, nhưng ông vẫn thích cuộc sống này hơn ở Triều Tiên.
"Có nhiều người đồng tính ở Triều Tiên đang sống một cuộc sống bức bối mà không biết tại sao", ông nói. "Thật là một bi kịch khi sống mà không hiểu nổi mình là người thế nào".
Phương Vũ (theo NYTimes)