4 năm sau khi rời quê hương sang Hàn Quốc, Kim Ryen-hi, một thợ may 45 tuổi người Triều Tiên, vẫn cảm thấy vô cùng hối hận vì những quyết định sai lầm khi xưa của mình. Bà cho biết đã cố gắng rất nhiều ngay từ lúc đặt chân đến Hàn Quốc để tìm cách trở về bên chồng, con và cha mẹ nhưng càng nỗ lực bà lại càng chuốc thêm nhiều rắc rối.
"Đối với tôi, tự do hay những cám dỗ vật chất không quan trọng bằng gia đình và quê hương", New York Times dẫn lời bà Kim nói trong nước mắt tại một cuộc họp báo ở Seoul. "Tôi muốn về với gia đình yêu quý của mình, kể cả có phải chết vì đói đi chăng nữa".
Tuy nhiên, với nhiều tình tiết nghi vấn trong câu chuyện của Kim, chính phủ Hàn Quốc hiện từ chối cấp phép cho bà trở về Triều Tiên.
Dù cảm thông song nhà chức trách cho hay bà Kim đang trong thời kỳ thử thách sau khi ra tù nên sẽ không được cấp hộ chiếu. Hơn nữa, Kim đã trở thành công dân Hàn Quốc khi đến đây. Theo luật pháp nước này, việc giúp một người Hàn Quốc trốn sang Triều Tiên là phi pháp.
"Kim tự nguyện trở thành công dân Hàn Quốc, vậy nên bà ấy phải tuân thủ mọi quy định áp dụng cho người Hàn Quốc", Park Soo-jin, phát ngôn viên của Bộ Thống nhất, trụ sở tại Seoul, nhấn mạnh.
"Chúng tôi hiểu câu chuyện buồn của bà Kim nhưng thể theo luật pháp hiện hành, chúng tôi không thể làm gì hơn", một quan chức giấu tên của bộ này nói.
Câu chuyện éo le của Kim bắt đầu từ năm 2011, khi bà tới Trung Quốc thăm họ hàng và điều trị bệnh gan. Tại đây, bà gặp một người môi giới. Người này nói có thể giúp bà trốn sang Hàn Quốc, ở lại trong vài tháng, kiếm nhiều tiền rồi sau đó trở về Trung Quốc.
Mặc dù kết hôn với một bác sĩ tại thủ đô Bình Nhưỡng và có cuộc sống không quá nghèo khó, bà Kim vẫn quyết định ký hợp đồng với kẻ môi giới nhằm kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí chữa bệnh.
Nhưng khi chưa kịp đến Hàn Quốc, bà đã nhận ra đó là một ý tưởng hoàn toàn sai lầm. Những kẻ buôn người tịch thu hộ chiếu của Kim và dọa rằng "đến nước này thì bà không còn đường lui nữa".
"Tôi sợ nếu bị bắt và trục xuất về Triều Tiên thì tôi sẽ bị coi như một kẻ phản quốc vì cố tình trốn chạy sang Hàn Quốc", Kim nói trong một cuộc phỏng vấn. "Tôi nghĩ tốt nhất là mình nên đến Hàn Quốc và tìm kiếm sự giúp đỡ ở đây".
Tới Thái Lan, bà nộp một tờ đơn viết tay xác nhận đồng ý rời Triều Tiên sang Hàn Quốc. Khi vừa đến nơi, bà lập tức yêu cầu được trở về Triều Tiên. Nhưng, Hàn Quốc hiện ban hành một quy định, theo đó những người từ Triều Tiên có thể chạy sang nước này nhưng không có quyền trở về. Bà chỉ được phép rời trung tâm thẩm vấn sau khi ký một văn bản chấp nhận trở thành công dân và tuân thủ luật pháp Hàn Quốc.
Lo lắng việc mình vắng mặt quá lâu sẽ khiến gia đình ở Bình Nhưỡng liên lụy, trong lúc rối trí, Kim tiếp tục đưa ra những quyết định thiếu khôn ngoan khiến bà dấn sâu thêm vào rắc rối.
Bà gặp một kẻ buôn người để bàn tính cách trở về, liên tục gọi đến lãnh sự quán Triều Tiên ở Trung Quốc để yêu cầu giúp đỡ hay thậm chí làm giả cả hộ chiếu Hàn Quốc. Tuy nhiên, hành động sai lầm nhất, theo bà, đó là chấp nhận làm gián điệp, đi thu thập số điện thoại di động của những người Triều Tiên bỏ trốn sang Hàn Quốc.
"Tôi thật ngu ngốc khi nghĩ rằng họ sẽ trục xuất tôi nếu biết tôi là gián điệp", Kim nói. Bà còn tự tố cáo mình với cảnh sát. Nhưng hình phạt mà Hàn Quốc dành cho tội danh gián điệp không phải là trục xuất về nước. Tháng 7 năm ngoái, bà bị bắt và lĩnh án hai năm tù.
Hồi tháng 4, sau khi thụ án được 9 tháng, một tòa phúc thẩm của Hàn Quốc hoãn hình phạt đối với Kim vì cho rằng lời thú tội của bà là một yếu tố xem xét giảm nhẹ. Bà được tại ngoại nhưng vẫn chịu sự giám sát từ chính quyền.
"Nhiều bằng chứng cho thấy Kim không phải là một gián điệp chuyên nghiệp", thông báo của tòa án cho hay. Tòa cũng biết rằng Kim muốn về Triều Tiên ngay từ lúc mới tới Hàn Quốc. Kim trở thành gián điệp cũng chỉ vì lo lắng cho gia đình ở quê nhà.
Kim sau đó đảo ngược lời khai, phủ nhận việc chính quyền Triều Tiên gợi ý bà trở thành gián điệp. Bà khăng khăng nói chỉ vờ làm gián điệp để được trục xuất về nước và nhận tội với hy vọng lĩnh án phạt nhẹ hơn.
Kim đang làm việc tại một nhà máy tái chế ở Yeongcheon, vận hành máy tước dây điện cũ. Bà vẫn bày tỏ một tình yêu thương vô bờ bến đối với quê hương Triều Tiên. Kim cho hay 4 số cuối trong số điện thoại của bà ở Hàn Quốc là ngày sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành, nhà lập quốc, đồng thời cũng là ông nội của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Đối với bà, ông Kim "không khác gì cha sinh mẹ đẻ". Bà nhiều lần bật khóc khi hát quốc ca Triều Tiên.
"Hơn tất cả, tôi muốn đất nước Triều Tiên biết rằng tôi không phải một kẻ phản quốc. Tôi không bao giờ quên quê hương mình", bà nói.
Hy vọng duy nhất của bà Kim lúc này là chính quyền hai nước đạt được một thảo thuận cho phép hồi hương. Hàn Quốc có quy định nghiêm ngặt về việc trục xuất những ngươi bị cáo buộc làm gián điệp và mới chỉ đồng ý để hai người Triều Tiên về nước vào năm 1993 và 2000 để thể hiện thiện chí trong các cuộc đàm phán song phương.
"Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được rằng quyết định sai lầm ban đầu của mình lại có thể mang đến cho tôi nhiều rắc rối đến thế", Kim chia sẻ.
Vũ Hoàng (theo New York Times)