Du lịch một mình chưa bao giờ là lựa chọn an toàn hoặc phù hợp với một phụ nữ Ấn Độ. Nhưng với bà Sudha Mahalingam thì khác, đặc biệt khi bà nhận ra rằng "tour trọn gói rất dễ đoán bởi họ cho khách thấy cái họ muốn thay vì những điều khách muốn tìm hiểu".
Hơn 20 năm trước, bà Sudha nghỉ việc trong lĩnh vực báo in và chuyển sang làm nghiên cứu về năng lượng. Khi nhận nhiều lời mời diễn thuyết ở các hội thảo quốc tế tại các quốc gia sản xuất dầu, cánh cửa dẫn tới thế giới du lịch dần mở ra với bà. Hiện tại ở tuổi 70, Sudha đã đặt chân tới 66 quốc gia trên thế giới, tự lập blog cá nhân Footloose Indian và ra mắt sách du ký "The travel gods must be crazy".
Do bận rộn với công việc và gia đình, hầu như bà Sudha không có thời gian lên kế hoạch du lịch nên những chuyến đi đầu tiên đều diễn ra đột ngột và không tránh khỏi rắc rối. Bà từng đáp xuống CH Czech với visa không hợp lệ, phải đi tìm đồ ăn chay ở Trung Quốc, vô tình bị nhốt trong một đài tưởng niệm ở Iran, từng bị bắt mà không có chứng nhận tiêm phòng sốt vàng da ở sân bay Nairobi, Kenya.
Chuyến đi nước ngoài gần nhất của bà Sudha là tới Madagascar năm 2019 để tìm hiểu loài vượn cáo. "Đó là vùng đất chưa được khám phá, không có nhiều du khách và rất ít phương tiện. Nhưng chuyến đi khó khăn đó lại khiến tôi thích nhất. Tôi lênh đênh trên con thuyền không có phòng vệ sinh trong 3 ngày, vượt sông Tsiribihina để tới Tsingy, bờ biển phía tây Madagascar. Tsingy là nơi đầy rẫy các khối đá sắc nhọn như dao, dựng thẳng đứng lên trời. Đường dốc và khó leo, đá có thể cào toác cả chân tay người. Nhưng khi leo được sang phía kia, bạn sẽ thấy những sinh vật chỉ có ở Madagascar".
Đảo Borneo ở Đông Nam Á cũng là một điểm đến đáng nhớ của người phụ nữ Ấn Độ này. "Các loài bò sát đáng sợ ở khắp nơi. Bạn sẽ không biết liệu có con rắn nào cuốn quanh chân hay có bọ cạp nào đốt bạn không. Tôi từng đến rừng rậm Amazon nhưng cảm giác đường đi dễ dàng hơn nhiều so với Borneo".
Không chỉ mê mẩn những vùng đất hoang vu, người phụ nữ 70 tuổi còn yêu thích các môn thể thao mạo hiểm như lặn bình khí, nhảy dù lượn gliding. Bà cũng từng trekking lên trạm dừng chân của đỉnh Everest và nhảy dù skydiving ở Uluru, Australia khi 66 tuổi.
Ban đầu Sudha nghĩ các chuyến du lịch này không thành vấn đề lớn miễn du khách có đủ tiền. Nhưng có lần bà tự nhận ra mình đang gặp nguy hiểm. Đó là một đêm ở thung lũng Kashmir năm 1997. Bà đi cùng người lạ (một sĩ quan cho đi nhờ), vài tiếng sau, xe dò mìn vừa dẹp đường vừa hướng tới phía họ. Ngày hôm sau trên đường ra sân bay, Sudha hay tin chiếc xe chở bà đã bị lực lượng dân quân vũ trang bắn.
Nhưng khi nhìn lại các hành trình, Sudha không còn thấy căng thẳng nữa và luôn tìm ra những ký ức vui vẻ. Du lịch còn dạy cho bà bài học tin tưởng vào con người. Đến các vùng đất xa xôi, tiếp xúc những nền văn hóa mới mẻ giúp bà nhận ra con người có rất nhiều cách sống.
Ví dụ, các thổ dân ở Australia chọn sống hòa hợp với thiên nhiên. Họ tôn trọng đất đai, tất cả sinh vật sống và không cho rằng con người là giống loài siêu việt. Khi bà đến tu viện Phật giáo ở Kyoto, khám phá những hòn đảo ở Galapagos, trekking 24 ngày tới Mustang ở Nepal, gặp gỡ người Drukpa sống trong điều kiện khắc nghiệt... tất cả đều vui vẻ chào đón bà.
Bước vào tuổi 70, niềm đam mê du lịch của Sudha vẫn không nguội lạnh. Do đại dịch mà chưa thể du lịch nước ngoài, bà chuyển sang du lịch trong nước và thực hiện nhiều chuyến road trip. Khi thế giới mở cửa trở lại, bà muốn du lịch nước ngoài bằng tàu hỏa, thuyền và khám phá các quốc gia Nam Mỹ như Colombia, Chile, Argentina, vùng Patagonia. "Dù mỗi năm đi 3 nơi trong vòng 10 năm tới, tôi vẫn chưa hoàn thành mục tiêu của mình. Còn nhiều điều tôi muốn làm lắm!".
Khánh Trần (Theo CNN)