Chủ nhật, 11/7/2021, 15:13 (GMT+7)

Nữ nhiếp ảnh gia tự chụp check-in ở 33 tỉnh thành

Tự cứu mình khỏi trầm cảm, cô gái 32 tuổi mang theo máy ảnh, giá đỡ đi dọc Nam - Bắc, bất kể nắng mưa, tuyết rơi, ghi lại vẻ đẹp thiên nhiên.

Năm 2018, sau một biến cố khiến bản thân mắc bệnh trầm cảm, Ao Kim Ngọc (TP HCM) quyết định làm bạn với những chuyến đi. Lần đầu tiên đứng trước biển mây ở Đà Lạt (Lâm Đồng), cô vô cùng choáng ngợp và không tin khung cảnh trước mắt là thật. Tự hỏi bản thân có bao nhiêu lần may mắn được chiêm ngưỡng và làm sao để lưu giữ vẻ đẹp ấy cho thế hệ sau, năm 2019 Ngọc bắt đầu làm quen với máy ảnh, đi dọc Nam - Bắc để lưu lại hình ảnh bản thân với thiên nhiên.

Kim Ngọc bên thác Bảo Đại, Lâm Đồng.

Ngọc chia sẻ, trong 2 năm liên tục, cô thường đi chụp các mùa ở từng địa phương, hoặc đi theo cảm hứng như mùa hoa đào ở Sa Pa (Lào Cai), cảnh mây luồn ở Tam Đường (Lai Châu); biển mây ở Ngải Thầu Thượng; tuyết rơi, dải ngân hà ở Y Tý (Lào Cai); Mùa lúa chín ở Tà Pạ (An Giang).

Khi đến một địa danh, cô thường lưu trú 5- 7 ngày hoặc dài hơn để ghi lại được những khoảnh khắc mong muốn. Có một số nơi phải quay lại 2-3 lần trong năm. Với những chuyến đi không vào mùa đặc trưng của vùng miền, hoặc thời tiết không thuận lợi thì Ngọc dành thời gian tìm hiểu về văn hoá ẩm thực, các hoạt động sinh hoạt của con người bản xứ.

Tuyệt đẹp, nơi đâu cũng gây luyến tiếc khi rời đi là lời của Ngọc chia sẻ về các điểm đến trong hành trình. Một trong những nơi cô ấn tượng nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, với thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và cả sự thân thiện, hiền hoà của người dân. Ngoài ra, Ngọc đặt biệt yêu mến Đà Lạt, thành phố đã khơi dậy niềm đam mê nhiếp ảnh chân dung phong cảnh trong cô, cũng là nơi cô gặp gỡ quen biết nhiều bạn bè cùng đam mê.

"Có những khoảnh khắc mình ngỡ như đang lạc vào cõi mơ vì quá thần tiên và lãng mạn. Cảm giác bỏ lại tất cả bộn bề thường nhật ở phía sau để toàn tâm tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên giúp mình yêu quý và trân trọng hơn những gì mình đang có, đồng thời xua tan những cảm xúc tiêu cực, không tốt của bản thân", Ngọc cười và nói.

Vì thế ngoài lưu giữ những khoảnh khắc của bản thân với thiên nhiên, Ngọc cũng yêu thích lưu lại những hình ảnh về cuộc sống thường nhật của người dân, đặc biệt là trẻ em. Với cô, nếp sinh hoạt đặc trưng ở những nơi từng đi qua đều được gói mang về cất giữ như một kỷ niệm qua bức ảnh.

Với Kim Ngọc, thiên nhiên và nhiếp ảnh là "liều thuốc" chữa lành những tổn thương tâm lý hữu hiệu nhất

Bên cạnh những chuyến cđộc hành, Ngọc cũng tham gia cùng với bạn bè, cô chú người địa phương cùng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Sau khi đi cùng đoàn, cô dành thời gian đi riêng để sáng tác theo phong cách của mình. Tiết kiệm và an toàn là tiêu chí Ngọc đặt lên hàng đầu, nên trong các chuyến đi, cô thường đặt vé máy bay cho mình trước khoảng một tháng cho khu vực miền Bắc, tự đi xe khách và thuê xe máy di chuyển với các điểm đến gần. Những chuyến đi dài ngày thì cô rủ bạn bè cùng đi, cùng chia sẻ chi phí để tiết kiệm và vui hơn. Mỗi chuyến đi có chi phí trung bình 6 - 7,5 triệu đồng. Ở nhiều nơi, cô được người dân hiếu khách mời cơm, đặc sản, sẵn sàng cho đi nhờ xe.

Những nơi cô đến phần lớn là hoang sơ, vắng vẻ. Cô luôn chuẩn bị trang phục để phù hợp với khung cảnh thiên nhiên. Ngoài ra những người bạn đồng hành không thể thiếu của cô là máy ảnh, tripod (giá đỡ máy), thẻ nhớ, pin...

Ngọc chia sẻ, những ngày mới tập chụp rất khó khăn, nếu may mắn thì có thể nhờ người bấm máy hộ sau khi đã chuẩn bị xong máy móc, góc chụp. Có những điểm có địa thế hiểm trở, phải chạy lại nhiều lần để chỉnh máy, Ngọc ngã rách chân tay, váy áo nhưng vẫn kiên nhẫn để có bức ảnh mong muốn. Dần dà cô được chỉ dạy thêm những kinh nghiệm, kỹ thuật chụp ảnh của người đi trước, để chụp dễ dàng và an toàn hơn.

Nhiều lần, Ngọc phải thức dậy và khởi hành từ 0h đêm hay 2-3h sáng để "săn" bình minh và dải ngân hà trên bầu trời. Đôi khi cô cũng đi bộ hàng km với balo nặng trĩu sau lưng, nhiệt độ ngoài trời chỉ vài độ C, hay lần khác là trên xe lên con đường dốc xóc "lộn ruột gan" và sóng biển đánh ướt hết máy móc và thiết bị.

Với cô, khó khăn là một phần của hành trình mà tuổi trẻ cần phải trải nghiệm, để biết trân trọng những gì mình đang có và những gì thiên nhiên ban tặng. "Ai hỏi mình có tài sản gì quý giá nhất thì có lẽ là những bức ảnh. Xem ảnh mới thấy đáng giá biết chừng nào khi quá trình đô thị hoá đang diễn ra nhanh chóng, còn mình đang may mắn có những ký ức tuyệt đẹp này", Ngọc chia sẻ.

Dựng tripod chụp ảnh bình minh ở đèo Ô Quý Hồ, Lai Châu

Khái niệm về một bức ảnh đẹp luôn thay đổi theo thời gian và nhận định của mỗi người. Với Ngọc, bức ảnh đẹp là khi được bấm máy ở thời điểm cô và thiên nhiên kết nối với nhau mãnh liệt nhất, với cảm xúc hạnh phúc nhất. Cô cũng hy vọng những du khách yêu thích check-in có thể lưu lại những bức ảnh đẹp nhưng không đẹp theo cách huỷ hoại thiên nhiên, môi trường như chặt cây, bẻ hoa...

Ngọc cho biết trong thời gian tới, cô sẽ tiếp tục học hỏi, trải nghiệm những vùng đất mới để có thêm nhiều hình ảnh đẹp về Việt Nam, góp phần nhỏ truyền cảm hứng cho những bạn trẻ du lịch và check-in bền vững. "Hãy thử sức những giới hạn của bản thân, đừng ngại di chuyển tìm tòi những điều mới mẻ. Thiên nhiên là một món quà vĩ đại của tạo hoá, còn nụ cười là giấy thông hành hiệu lực nhất của mỗi chuyến đi", cô nói.

Lan Hương