Kể từ ngày 1/3, Philippines bắt đầu tiêm chủng cho người dân trong bối cảnh số ca nhiễm tăng nhanh chóng. Hình ảnh ông Gerardo Legazpi, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Philippines, cơ sở y tế tuyến đầu của đất nước, nhận liều đầu tiên trong số 600.000 liều vaccine Sinovac (Trung Quốc) được truyền hình trực tiếp. Ông kêu gọi các đồng nghiệp và công chúng "tách bạch vaccine khỏi các vấn đề chính trị và chính quyền ông Duterte".
Philippines là một trong những nước cuối cùng tại Đông Nam Á đảm bảo được nguồn cung vaccine Covid-19, dù đây là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 578.000 ca nhiễm và ít nhất 12.000 người tử vong. Trong 5 ngày qua, quốc gia ghi nhận trung bình 2.000 ca mắc mới mỗi ngày.
Trong khi tiêm phòng là niềm hy vọng dập dịch, các chuyên gia cảnh báo chính phủ cần vượt qua sự hoài nghi của công chúng vào vaccine Trung Quốc, nếu muốn triển khai chiến dịch thành công.
Người Philippines đã thay đổi thái độ đáng kể từ khi chính quyền thông báo nhân viên y tế tuyến đầu sẽ được tiêm vaccine do Sinovac phát triển, thay vì sản phẩm của Pfizer hay AstraZeneca. Theo Hiệp hội Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa nước này, tỷ lệ không đồng thuận là 95%. Trong khi ở cuộc khảo sát trước đó, 94% sẵn sàng tiêm vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca. Y bác sĩ chủ yếu cho rằng Sinovac cung cấp thiếu dữ liệu khoa học, hiện chưa thông báo kết quả thử nghiệm giai đoạn 3.
Câu hỏi khác đặt ra là số phận của 525.600 liều vaccine AstraZeneca, vốn được hứa hẹn chuyển đến Philippines hôm 1/3, đang đi về đâu. Bộ trưởng Y tế Francisco Duque cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã trì hoãn phân phối do vấn đề từ nguồn cung.
Để tăng cường niềm tin vào vaccine, Giám đốc Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Eric Domingo cùng chuyên gia bệnh truyền nhiễm, tiến sĩ Maurice Edsel Salvana, tiêm liều đầu tiên ngày 1/3. Chính ông Domingo là người phê duyệt khẩn cấp sản phẩm của Sinovac. Phê duyệt đi kèm khuyến cáo: chỉ những người khỏe mạnh từ 18 đến 59 tuổi nên tiêm phòng. Vaccine không khuyên dùng cho nhân viên y tế, bất kể tuổi tác. Dù vậy, nhiều y bác sĩ tuyến đầu tại Bệnh viện Đa khoa Philippines đã chủng ngừa.
Sau mũi tiêm, ông Domingo không gặp vấn đề bất thường. Tiến sĩ Salvana cũng nghiên cứu các dữ liệu liên quan. Ông kết luận vaccine Sinovac an toàn và có thể ngăn ngừa 100% các trường hợp nhiễm bệnh nặng, 78% ca nhiễm trung bình.
"Chúng tôi đang cố biến Covid-19 từ một căn bệnh chết người thành cảm cúm thông thường. Chúng tôi sẽ loại bỏ nanh vuốt của virus", Salvana nói.
Vài giờ tiếp, ông viết trên Twitter: "Tôi vẫn còn sống! Cánh tay hơi đau nhưng đó chỉ là do tế bào miễn dịch đang hoạt động, sẵn sàng tạo kháng thể chống lại Covid-19".
Salvana cho biết ông cảm thấy "hơi mệt nhưng đến nay thì rất ổn". Ông cũng bày tỏ niềm hạnh phúc khi là một trong những người đầu tiên tiêm vaccine.
Bệnh viện Đa khoa Philippines thông báo sẽ cung cấp một lượng liều tiêm đến những cơ sở y tế lân cận. Bệnh viện này được phân phối 1.200 liều. Ít nhất 263 nhân viên y tế tại 6 bệnh viện bang đã tiêm chủng hôm 1/3. 15 người gặp phản ứng phụ, từ choáng ngất đến chóng mặt, đau đầu.
Một bác sĩ cho biết anh cảm thấy do dự khi tiêm vaccine Sinovac. "Nếu tôi dùng và nó không hoàn toàn hiệu quả, sao tôi có thể yên tâm dành thời gian bên gia đình?".
Trước đó, nhiều chuyên gia y tế đã chỉ trích chính phủ Philippines vì đã đưa ra các thông điệp không nhất quán. Họ nói rằng chỉ một thành viên trong nội các cấp cao của Tổng thống Rodrigo Duterte và chỉ huy trưởng lực lượng đặc nhiệm Covid-19, Carlito Galvez, đã tiêm phòng. Bộ trưởng Y tế Francisco Duque cho biết ông không dùng vaccine vì tuổi cao, dù trước đó đã hứa sẽ tham gia tiêm chủng. Ông Duque năm nay 64 tuổi.
Trung Quốc đã dùng máy bay quân sự vận chuyển 600.000 liều vaccine đến Philippines. Đặc phái viên tại Manila, ông Huang Xilian, cho biết chính quyền đại lục tặng nước này 500.000 liều. 100.000 liều còn lại là quà của phía quân đội Trung Quốc.
Theo ông Xilian, việc phân phối vaccine thể hiện sự hợp tác giữa hai nước trong việc chống lại đại dịch. Nó "không chỉ đại diện tình đoàn kết, hữu nghị và quan hệ đối tác của hai quốc gia, còn là ý chí của cả hai quân đội trong cuộc chiến với Covid-19".
Trong khi các chuyên gia lo ngại sự hoài nghi có thể làm chậm chiến dịch triển khai vaccine, phía quân đội có cái nhìn lạc quan hơn. Thiếu tướng Edgard Arevalo, người phát ngôn Lực lượng Vũ trang, nhận định: "Tiêm chủng không phải lựa chọn đối với thành viên Lực lượng Vũ trạng, đó là nhiệm vụ".
Thục Linh (Theo SCMP)