"Đúng ra chúng tôi nên nghe theo chính phủ. Nhưng ai cũng có hoàn cảnh riêng và không thể lúc nào cũng răm rắp nghe bất cứ điều gì chính phủ yêu cầu. Chúng tôi không thể sống mà không làm việc và cũng không thể ngừng ra ngoài gặp nhau", Ayumi Sato, nhân viên giao dịch chứng khoán 34 tuổi, chia sẻ.
Tuy nhiên, không chỉ riêng Sato có suy nghĩ này. Ngày càng nhiều người ở thủ đô Nhật Bản cảm thấy lãnh đạo của họ chỉ làm được những điều tối thiểu để ngăn Covid-19, đại dịch khiến hơn 19,5 triệu người nhiễm và hơn 720.000 người chết trên toàn cầu.
Cảm giác không hài lòng với phản ứng Covid-19 của chính phủ ngày càng tăng khi Nhật Bản dường như đang đối mặt với một đợt bùng phát lớn khác. Trong 10 ngày qua, Bộ Y tế Nhật đã ghi nhận hơn 900 ca nhiễm mới mỗi ngày. Quốc gia này đã báo cáo hơn 44.500 ca nhiễm kể từ khi dịch bùng phát, với hơn nửa trong số này được ghi nhận kể từ tháng 7. Ít nhất 1.046 người đã chết vì nCoV tại Nhật Bản.
Rất nhiều ca nhiễm được phát hiện ở Tokyo, thành phố đông dân nhất thế giới với hơn 37,4 triệu người. Nhiều người lo ngại rằng những ca nhiễm không thể truy vết có thể nhanh chóng vượt tầm kiểm soát. Hầu như trong tháng 5 và 6, Tokyo đã kiểm soát được số ca nhiễm mới hàng ngày ở mức dưới 100. Nhưng số ca nhiễm tăng đều kể từ đó và đạt đỉnh điểm 472 người vào ngày 1/8. Thủ đô Nhật Bản đã báo cáo hơn 14.500 ca nhiễm nCoV.
Giới chức Tokyo tin rằng nhiều ca nhiễm nCoV của thành phố này liên quan tới những người thường ra ngoài vào ban đêm, nên đã yêu cầu tất cả nhà hàng và quán bar đóng cửa trước 22h để giảm nguy cơ lây nhiễm trong không gian kín.
Chính phủ cũng cam kết hỗ trợ tài chính cho người bị đe dọa sinh kế vì Covid-19, đồng thời bơm hơn 2.000 tỷ USD để cứu nền kinh tế.
Thủ tướng Shinzo Abe ngày 6/8 nói sẽ không ban bố tình trạng khẩn cấp, bất chấp thực tế số ca nhiễm mới hiện nay cao hơn thời điểm ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài gần 7 tuần hồi tháng 4.
"Tình hình hiện tại rất khác so với lúc đó. Chúng ta không ở trong tình thế cần ban hành tình trạng khẩn cấp ngay lập tức, nhưng sẽ theo dõi tình hình và cảnh giác cao độ", Abe nói.
Nhưng nhiều người phê bình, trong đó có sinh viên 21 tuổi Soma IIzuka, chỉ trích Thủ tướng Abe đang né tránh vai trò lãnh đạo vào thời điểm đất nước cần nhất.
"Ông ấy không nên chỉ nghĩ tới thúc đẩy kinh tế. Nếu Thủ tướng muốn giữ số ca nhiễm ở mức thấp và tái khởi động nền kinh tế, ông ấy cần phải hỗ trợ cho những người dân bị mắc kẹt ở nhà", Ilzuka nói.
Những người như Sato và Ilzuka cho rằng lãnh đạo của họ hoặc là chú trọng nhiều hơn vào sinh kế và niềm vui của người dân, hoặc là từ bỏ các biện pháp nửa vời và dốc toàn lực cho một đợt phong tỏa nghiêm ngặt.
Nhiều người khác cũng cho rằng chính phủ đã có bước đi hoàn toàn không phù hợp, khi chi 16 tỷ USD trợ cấp để vực dậy ngành du lịch, giữa lúc nhiều thành phố trên cả nước vật lộn với làn sóng tăng ca nhiễm mới.
Nhiều người trong ngành dịch vụ khách sạn hiện phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: chống lại lệnh đóng cửa lúc 22h để sống sót nhưng tiềm ẩn rủi ro sức khỏe cho khách hàng và nhân viên, hoặc nghe theo chỉ đạo của chính phủ và đối mặt với doanh thu sụt giảm, cùng nguy cơ phá sản.
Nhà hàng của Tokuharu Hirayama vẫn mở cửa suốt đại dịch, nhưng hứng chịu tổn thất rất lớn. Doanh thu tháng 4 đã giảm 95% so với tháng 3 và một lần nữa lao dốc vào tháng 7 dù đã phục hồi được ít nhiều trước đó. Hiryama buộc phải cho phần lớn nhân viên nghỉ phép và thậm chí một số ngày, chỉ có mình ông làm việc tại nhà hàng và kiêm luôn nhiệm vụ giao hàng để trang trải chi phí.
Hirayama sẽ tuân thủ yêu cầu đóng cửa lúc 22h, khi thấy nhiều nhà hàng và quán bar xung quanh đều làm vậy. "Mọi người ở đây thường rất để ý tới người xung quanh. Tôi không nghĩ nó đáng để tạo ra một cuộc tranh cãi", ông nói.
Tuy nhiên, Kozo Hasegawa không làm như vậy.
Hasegawa là người sáng lập và CEO của Global-Dining, tập đoàn sở hữu gần 40 nhà hàng và cửa hiệu ở Nhật Bản. Ông nổi tiếng trong giới kinh doanh là người dám chấp nhận rủi ro và được nhiều người ngưỡng mộ khi cho phép nhân viên có nhiều quyền tự do và tự chủ. Thậm chí ông còn khuyến khích nhân viên tự kinh doanh riêng khi họ có đủ kinh nghiệm ở công ty.
Hasegawa cho biết đại dịch là "thảm họa" với công việc kinh doanh của ông và thêm rằng công ty này tồn tại được chỉ vì nó đủ tốt để nhận được khoản vay của chính phủ.
Giống nhiều chủ doanh nghiệp khác, Hasegawa đã nộp đơn đăng ký chương trình vay vốn mà một số tổ chức tài chính tư nhân hoặc liên kết với chính phủ cung cấp, như một phần gói cứu trợ kinh tế của chính phủ.
Ông không nghĩ các quy định đóng cửa lúc 22h của chính phủ là công bằng, bởi nCoV không lây nhiễm nhiều hơn từ 22h đến nửa đêm, khi các quán bar đóng cửa. Ông tự hỏi tại sao chính phủ không để khách hàng tự quyết định.
"May mắn hoặc không, tôi sinh ra là kẻ nổi loạn. Tôi không thích kiểu nghe lời trong văn hóa Nhật Bản. Chúng tôi có bộ não để nghĩ cho riêng mình", ông nói và thêm rằng sẽ tiếp tục mở cửa các nhà hàng của mình tới nửa đêm.
Tuy nhiên, Kyle Cleveland, giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á Đương đại tại Đại học Temple, Tokyo, nói rằng dù Nhật Bản nổi tiếng là quốc gia tuân thủ luật lệ tới mức cứng nhắc, thái độ thách thức và giận dữ đối với chính phủ hiện nay của nhiều người ở Nhật cho thấy họ chỉ đơn giản là đang tìm cách "sống chung với Covid-19" và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
"Mọi người vẫn đang thực hiện cách biệt cộng đồng và đeo khẩu trang, cùng nhiều biện pháp tương tự. Nhưng họ nhận ra rằng họ cần cân bằng giữa nghĩa vụ tài chính và chất lượng cuộc sống. Kết quả là họ bắt đầu bước ra ngoài xã hội", Cleveland nói.
Thanh Tâm (Theo CNN)