"Nhân viên quán bar cần các quy tắc thiết thực khi tương tác với khách hàng", Shinya Iwamuro, một bác sĩ tiết niệu và người ủng hộ sức khỏe cộng đồng, từng hướng dẫn về các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở quận Shinjuku, trung tâm giải trí của Tokyo và các khu phố đêm khác, nói tại họp báo ngày 20/7.
"Điều đó có nghĩa là không hôn, không dùng chung đĩa và giữ khoảng cách khi trò chuyện để tránh giọt bắn nhiều nhất có thể", ông Iwamuro đưa ra lời khuyên.
Quan chức y tế Tokyo đẩy mạnh xét nghiệm nCoV với các nhân viên ở những khu phố giải trí về đêm sau khi xuất hiện nhiều ca nhiễm là những người trẻ, khoảng 20 đến 30 tuổi, liên quan tới khu vực này.
Sau khi dỡ tình trạng khẩn cấp hôm 25/5, Tokyo tìm cách duy trì số ca nhiễm nCoV mới hàng ngày dưới 20. Tuy nhiên, ca nhiễm mới ở thành phố 14 triệu dân này đều vượt 50 trong những tuần qua. Thành phố đã ghi nhận hơn 8.100 ca nhiễm và hơn 320 ca tử vong. Các cụm dịch mới đã khiến thống đốc Tokyo phải nâng mức cảnh báo dịch lên mức cao nhất, mức "đỏ", hôm 15/7.
Chính phủ Nhật cũng đang cân nhắc tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch đặc biệt, cho phép tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga cho hay không loại trừ thực hiện kiểm tra tại chỗ các doanh nghiệp hoạt động về đêm.
Masayuki Saijo, giám đốc virus học tại Viện truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản cho rằng không nên phân biệt đối xử với mọi người dựa trên nơi họ làm việc. "Không có gì khác biệt, làm việc ban đêm hay ban ngày thì chiến lược ngăn lây lan từ người sang người nên như nhau", ông nói.
Kaori Kohga, giám đốc đại diện Hiệp hội doanh nghiệp về đêm cho biết cả nước Nhật ước tính có hơn một triệu người làm việc trong các ngành dịch vụ về đêm. Nhóm của cô đã tự "soạn" ra các quy tắc an toàn riêng giữa đại dịch, trong đó có khử trùng micro karaoke, bởi họ cho rằng các khuyến nghị của chính phủ như đeo khẩu trang hay cách biệt cộng đồng là "không thực tế" với các ngành này. "Chẳng có gì thay đổi nếu các bạn chỉ phê phán chúng tôi là kẻ xấu", Kohga nói.
Hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19, sau khi dịch khởi phát vào tháng 12/2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc, khiến hơn 14,6 triệu người nhiễm, hơn 609.000 người chết. Nhật hiện ghi nhận hơn 24.600 ca nhiễm và 985 ca tử vong.
Mai Lâm (Theo Reuters)