Sau khi ghi nhận những ca nhiễm nCoV đầu tiên từ cuối tháng một, Italy nhanh chóng trở thành vùng dịch lớn nhất châu Âu, với tâm điểm là vùng Lombardy ở phía bắc, khiến chính phủ phải áp lệnh phong tỏa toàn quốc chặt chẽ. Nghiêm trọng hơn, chính hệ thống y tế Italy lại trở thành "nạn nhân" của cuộc khủng hoảng, khi các y bác sĩ lần lượt nhiễm nCoV và trở thành bệnh nhân.
Nhằm đối phó với "sóng thần" Covid-19, Italy cho phép người theo học chuyên ngành y tá điều dưỡng tốt nghiệp sớm và kêu gọi nhân viên y tế nghỉ hưu quay lại làm việc. Bệnh viện ở những vùng có Covid-19 tạm hoãn những ca phẫu thuật chưa cần thiết và chạy đua tìm cách bổ sung 50% giường chăm sóc tích cực (ICU).
Vài tháng sau, cùng với loạt biện pháp hạn chế quyết liệt của chính phủ, dựa trên lời khuyên từ các ủy ban khoa học và kỹ thuật, các bệnh viện tại Italy giờ đây vắng bóng bệnh nhân Covid-19. Số ca tử vong vì nCoV hàng ngày ở Lombardy gần như bằng không. Giovanni Rezza, giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm tại Viện Y tế Quốc gia Italy, cho biết số ca nhiễm mới của nước này hiện thuộc hàng thấp nhất châu Âu và thế giới.
Nhằm học hỏi kinh nghiệm kiềm chế nCoV tại các bệnh viện Italy, PanSurg, sáng kiến nghiên cứu phương pháp chống Covid-19 thành lập tại Đại học Hoàng gia London, Anh, đã tổ chức hội thảo trực tuyến với các bác sĩ và giáo sư từ ba bệnh viện Humanitas, San Raffaele và Sacco tại vùng Lombardy, từ đó rút ra ba "bài học xương máu".
Trước hết là phải bảo vệ an toàn cho đội ngũ nhân viên y tế, "tài sản" lớn nhất của bất cứ hệ thống chăm sóc sức khỏe nào trước đại dịch. Các dịch vụ khám chữa bệnh và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 sẽ không thể duy trì nếu thiếu họ. Do đó, nhiệm vụ bảo vệ nhân viên y tế trở thành ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến chống Covid-19.
Hiệp hội Bác sĩ Italy hôm 30/3 báo cáo gần 8.400 nhân viên y tế dương tính với nCoV, đáng lo ngại là phần lớn không có triệu chứng, trong đó hơn 60 người đã chết. Có thời điểm khoảng 20% lực lượng y tế Italy không thể làm việc do bị cách ly hoặc nhiễm virus, cho thấy rủi ro khôn lường mà những người trên tuyến đầu chống dịch phải đối mặt.
Theo giới y tế Italy, điều quan trọng là đội ngũ nhân viên trong bệnh viện phải được cung cấp đồ bảo hộ phù hợp với nhiệm vụ của họ, đồng thời đảm bảo đầy đủ nguồn vật tư và hướng dẫn nhân viên sử dụng đúng cách.
Thêm vào đó, các nhân viên y tế cũng cần được xét nghiệm nCoV kịp thời và hiệu quả, nhằm giảm thiểu khả năng nghỉ làm vì bị cách ly, cũng như giảm nguy cơ lây virus sang đồng nghiệp và bệnh nhân.
Kinh nghiệm thứ hai mà giới y tế Italy đúc kết được là phải phân chia rõ ràng khu vực nhiễm và không nhiễm trong bệnh viện. Hoạt động tái cấu trúc được tiến hành nhanh chóng để tách biệt hoàn toàn bệnh nhân dương tính và âm tính với nCoV, tạo thành những khu vực "sạch" và "nhiễm".
Tại bệnh viện Humanitas, khu vực "tiền phân loại" bắt buộc được thiết lập bên ngoài khoa cấp cứu. Tất cả người nhập viện phải được kiểm tra thân nhiệt và bất cứ triệu chứng hô hấp nào. Những trường hợp có thân nhiệt cao và xuất hiện triệu chứng về hô hấp sẽ phải đi lối riêng dành cho "ca nghi nhiễm nCoV", tách biệt khỏi các bệnh nhân khác.
Nhằm hạn chế tối đa khả năng virus lây lan, bệnh viện Humanitas còn cấm hoàn toàn người tới thăm hoặc thân nhân chăm sóc người bệnh, dù yêu cầu này khá khó khăn. Tất cả nhân viên và bệnh nhân trong viện đều đeo khẩu trang phẫu thuật ở mọi nơi, luôn duy trì thái độ cảnh giác rằng bất cứ ai cũng có thể nhiễm nCoV, đặc biệt khi những ca không triệu chứng được cho là có khả năng lây nhiễm cao.
Trên thực tế, tại bệnh viện Humanitas, mức độ lây lan nCoV tại vùng "sạch" lại cao hơn vùng "nhiễm", cho thấy nguy cơ lây nhiễm cao của các ca không triệu chứng. Ngược lại, do đội ngũ nhân viên y tế tại khu vực "nhiễm" được trang bị đồ bảo hộ đầy đủ, tình trạng lây nhiễm thấp hơn hẳn.
Bài học thứ ba giúp các bệnh viện Italy chống chọi Covid-19 là điều chỉnh phương pháp sàng lọc và điều trị. Xét nghiệm RT-PCR, phương pháp giúp xác định sự hiện diện của nCoV trong cơ thể được áp dụng rộng rãi hiện nay, vẫn bị nghi ngờ về tính chính xác. Nhiều người, ngay cả khi không có triệu chứng và âm tính khi xét nghiệm PCR, vẫn bị phát hiện có những thay đổi nghiêm trọng trên phổi khi chụp CT.
Do đó, tất cả bệnh nhân tại Italy đều phải chụp CT ngực - phổi để phát hiện những dấu hiệu bất thường do Covid-19 trước khi phẫu thuật. Nếu phát hiện bất cứ điểm bất thường nào, kíp phẫu thuật sẽ được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cá nhân trong quá trình làm việc.
Vì các bệnh viện ở Lombardy có nhiều tiêu chí khác nhau trong điều trị cho bệnh nhân Covid-19, đội ngũ bác sĩ đề nghị đưa ra hướng dẫn nhất quán càng sớm càng tốt, nhằm hỗ trợ các bác sĩ lâm sàng cả về mặt thực hành và kê đơn thuốc. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ cũng dựa vào tình trạng của bệnh nhân để thử nghiệm hướng đi mới, nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong vì Covid-19.
Điều đáng lo ngại nhất là khi Italy tăng gấp đôi năng suất hoạt động của ICU, bằng cách tái tổ chức và xây dựng thêm buồng ICU tại nhiều bệnh viện, tỷ lệ các giường điều trị tích cực bị lấp đầy vẫn duy trì ở mức 100%. Do đó, các bác sĩ nước này lưu ý rằng ngay cả khi bệnh viện được trang bị nhiều hơn, khả năng chăm sóc bệnh nhân vẫn không thể tăng lên nếu thiếu nhân lực.
Hôm 8/7, bệnh viện Papa Giovanni XXIII ở Bergamo, một trong những bệnh viện lớn nhất vùng Lombardy, tuyên bố các phòng ICU tại đây không còn bệnh nhân Covid-19, khoảng 137 ngày sau khi ca nhiễm đầu tiên được tiếp nhận.
Sau khi thông báo được đưa ra, ban lãnh đạo và đội ngũ nhân viên bệnh viện đánh dấu cột mốc này bằng cách dành một phút im lặng tưởng nhớ các nạn nhân trong đại dịch, trước khi một tràng vỗ tay dài vang lên.
"Bởi vì tất cả chúng ta đều xứng đáng với điều này", Luca Lorini, giám đốc khoa cấp cứu bệnh viện Papa Giovanni XXIII, phát biểu. "Chúng tôi từng mơ về mục tiêu này và đã làm việc suốt thời gian dài đề đạt được nó".
Ánh Ngọc (Theo HSJ, ABC News)