Thứ sáu, 3/1/2025
Thứ năm, 4/2/2021, 19:00 (GMT+7)

Người Myanmar khua nồi gõ chảo phản đối đảo chính

Người dân đổ ra đường phố Yangon gõ xoong nồi, thùng nhựa và bấm còi để phản đối cuộc đảo chính của quân đội.

Hưởng ứng một chiến dịch trên mạng xã hội nhằm phản đối đảo chính quân sự, người dân ở Yangon, thủ đô thương mại của Myanmar, từ tối 2/2 đổ ra đường để biểu tình bằng cách tạo tiếng động từ mọi vật dụng trong đời sống.

Chiến dịch "biểu tình bằng tiếng động" diễn ra sau khi đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) kêu gọi quân đội ngay lập tức thả Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo chính phủ bị bắt.

Người dân ở Yangon gõ chảo và chậu nhôm để biểu tình.

Bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint cùng các lãnh đạo cấp cao khác của NLD bị quân đội Myanmar bắt hôm 1/2 với cáo buộc gian lận bầu cử, sau khi NLD giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bỏ phiếu tháng 11 năm ngoái.

Tối 3/2, cuộc biểu tình phản đối quân đội tiếp tục diễn ra ở Yangon với nhiều người đổ ra đường hò hét, bật đèn điện thoại và hát các bài hát ca ngợi nền dân chủ.

Họ còn đồng loạt giơ cao 3 ngón tay tượng trưng cho dân chủ.

Một người đàn ông gõ thùng nhựa trên đường phố Yangon.

Nhiều người không ra đường cũng hưởng ứng chiến dịch phản đối đảo chính từ trên các ban công chung cư.

Quân đội Myanmar đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong một năm để kiểm soát đất nước, đồng thời tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing tuyên bố hủy kết quả bầu cử và cam kết tổ chức bỏ phiếu lại.

Người bán hàng ven đường gõ kéo và thìa vào các cốc kim loại để hoà vào âm thanh sôi động trên phố.

Cảnh sát sử dụng điện thoại di động quay lại hành vi của người biểu tình trên đường phố.

Bà Suu Kyi hiện bị quản thúc tại thủ đô Naypyidaw. Cảnh sát cáo buộc bà nhập trái phép thiết bị liên lạc và bà sẽ bị giữ cho đến ngày 15/2 để điều tra. Bà có thể đối mặt án tù lên tới 3 năm nếu bị kết tội.

Hôm 3/2, các bác sĩ và nhân viên y tế tại nhiều bệnh viện trên khắp Myanmar cũng tuyên bố đeo dải băng đỏ và từ bỏ mọi công việc không khẩn cấp để phản đối cuộc đảo chính.

Một số nhóm y tế đăng hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy họ đeo dải băng đỏ và giơ 3 ngón tay, cử chỉ phản đối thường được các nhà hoạt động dân chủ ở nước láng giềng Thái Lan sử dụng.

Các ngoại trưởng G7 gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ đã ra tuyên bố chung bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tình hình ở Myanmar và hối thúc quân đội nước này thả những người bị bắt. Mỹ cho biết ưu tiên giải quyết cuộc đảo chính và đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt lên chính quyền quân sự Myanmar.

Liên Hợp Quốc cũng tuyên bố sẽ kêu gọi quốc tế gây sức ép để cuộc đảo chính của quân đội Myanmar bất thành.

Ảnh: AFP