Người biểu tình đeo khẩu trang, cầm cờ tập trung bên ngoài Đại học Liên Hợp Quốc ở trung tâm thủ đô Tokyo của Nhật Bản hôm nay, kêu gọi tổ chức quốc tế này tiếp tục lên án hành động của quân đội Myanmar.
"Tôi lo lắng cho gia đình mình, nhưng hơn cả, tôi lo lắng cho bà Aung San Suu Kyi", Tin Htway, một nhân viên nhà hàng 22 tuổi người Myanmar, nói.
Than Swe, chủ tịch Hiệp hội Công dân Myanmar, cho biết ông muốn Cố vấn Nhà nước Suu Kyi và tất cả lãnh đạo đã được bầu một cách dân chủ khác phải được trả tự do ngay lập tức.
"Quân đội cần thừa nhận kết quả của cuộc bầu cử 2020 và dừng những gì họ đang làm ngay lúc này", ông Swe, 58 tuổi, nói.
Một trong những nhà tổ chức cho hay gần 800 người đã tham gia biểu tình.
Quân đội Myanmar sáng nay thông báo bắt Cố vấn Nhà nước Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), đồng thời tuyên bố tình trạng khẩn cấp để điều hành đất nước trong một năm. Động thái này diễn ra sau nhiều tuần căng thẳng giữa hai bên, liên quan đến cáo buộc gian lận bầu cử.
Nhiều nước phương Tây gọi đây là nỗ lực "đảo chính" của quân đội Myanmar, kêu gọi các chỉ huy lực lượng vũ trang nước này đảo ngược các động thái "đi ngược lại ý nguyện của người dân".
NLD cho biết bà Suu Kyi đã kêu gọi dân chúng không chấp nhận cuộc đảo chính của quân đội và thúc giục họ xuống đường biểu tình. "Tôi kêu gọi người dân không chấp nhận nó, phản ứng và toàn tâm toàn ý biểu tình chống lại cuộc đảo chính của quân đội", tuyên bố của NLD dẫn lời bà Suu Kyi.
Nhật Bản và Myanmar từ lâu đã có quan hệ thân thiết, trong đó Tokyo là nhà viện trợ lớn suốt nhiều năm và có hàng chục công ty đang hoạt động kinh doanh ở quốc gia Đông Nam Á này. Tính đến tháng 6/2020, khoảng 33.000 người Myanmar đang sinh sống ở Nhật Bản, gần một nửa trong đó sở hữu visa thực tập sinh kỹ thuật, cho phép họ làm việc tại Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi quân đội Myanmar thả các lãnh đạo bị bắt, thêm rằng họ từ lâu ủng hộ nền dân chủ ở nước này và yêu cầu khôi phục dân chủ ngay lập tức.
Anh Ngọc (Theo Reuters)