Số cử tri bỏ phiếu sớm gia tăng và được cho dẫn tới phân hóa chính trị sâu sắc trong lòng nước Mỹ giữa đại dịch Covid-19. Tại quốc gia nơi việc đeo khẩu trang để phòng nCoV lây lan trở thành vấn đề đảng phái, nhiều người muốn tránh tới các điểm bỏ phiếu đông người ngày 3/11 để hạn chế nguy cơ nhiễm virus.
Bầu cử Mỹ ghi nhận số phiếu bầu sớm kỷ lục 97,6 triệu, thông qua hình thức gửi bằng đường bưu điện hoặc trực tiếp bỏ vào thùng phiếu. Số cử tri đi bầu được dự đoán sẽ vượt qua kỷ lục 139 triệu người được thiết lập năm 2016.
Michael McDonald, chuyên gia thuộc Đại học Florida phụ trách Dự án Bầu cử Mỹ, dự đoán khoảng 150 triệu dân Mỹ có thể bỏ phiếu năm nay, chiếm 65% người đủ điều kiện và là tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất kể từ 1908. Tuy nhiên, nhiều bang ghi nhận số lượng cử tri đi bầu cao chưa từng có. Bang Texas và Hawaii ghi nhận lượng cử tri đã bỏ phiếu cao hơn năm 2016, CNN đưa tin.
Hình thức bỏ phiếu sớm gồm bỏ phiếu trực tiếp, bỏ phiếu qua thư và bỏ phiếu vắng mặt. McDonald cho biết 34.004.455 người đi bỏ phiếu trực tiếp và 59.126.562 phiếu bầu qua thư đã được bàn giao cho cơ quan bầu cử, 32.084.041 phiếu qua thư khác đang được xử lý.
Một số bang tăng cường điểm bỏ phiếu sớm trực tiếp do nhu cầu cao, song cử tri tại một số hạt vẫn phải xếp hàng dài để chờ. Một số bang không có truyền thống tổ chức bỏ phiếu sớm nhưng cho phép cử tri bỏ phiếu vắng mặt.
Quy định bỏ phiếu qua thư khác nhau theo từng bang, một số nơi dễ hơn những chỗ khác. 9 bang và thủ đô Washington chủ yếu tổ chức bỏ phiếu qua thư và tự động gửi phiếu bầu đến cử tri đủ điều kiện. 36 bang khác quy định mọi cử tri đều có thể yêu cầu nhận phiếu bầu qua bưu điện.
Một số bang thiết lập các thùng phiếu cho phép cử tri bỏ phiếu vắng mặt. Tuy nhiên tại 5 bang khác, cử tri phải đưa ra "lý do có thể chấp nhận được" nếu muốn bỏ phiếu qua đường bưu điện. Trang FiveThirtyEight cho biết đại dịch Covid-19 "không được tính" là một trong các lý do hợp lệ. Một số bang quy định cần chữ ký nhân chứng hoặc công chứng khi bỏ phiếu qua thư.
CNN đưa tin thủ đô Washington và 35 bang đã hoàn thành hơn nửa chặng đường bỏ phiếu so với năm 2016. Trong số này có 13 bang được đánh giá "cạnh tranh nhất" bao gồm Florida, một địa bàn quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới giao tiếp xã hội trực tiếp, hoạt động bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ không phải ngoại lệ. Bỏ phiếu trực tiếp còn vướng một số rào cản.
Một số bang yêu cầu cử tri mang theo thẻ căn cước, số khác yêu cầu giấy tờ tùy thân có ảnh. Tuy nhiên, một số bang cho phép cử tri không mang thẻ căn cước được bỏ phiếu nếu người đó ký một cam kết về danh tính.
Vài bang cắt giảm số lượng điểm bỏ phiếu trực tiếp. Ba hạt thuộc bang Kansas đang giảm số điểm bỏ phiếu. Bang Minnesota cho phép các địa phương có ít hơn 400 cử tri đăng ký có thể đóng cửa các điểm bỏ phiếu truyền thống, song vẫn mở điểm bỏ phiếu trực tiếp tại các văn phòng bầu cử. Quyết định này ảnh hưởng tới 217.056 cử tri đã đăng ký tại bang Minnesota.
Bang Mississippi triển khai hình thức "bỏ phiếu lề đường", cho phép người có triệu chứng nCoV không cần rời xe khi đi bầu. Giới chức bang cũng cho phép các cử tri vắng mặt giải quyết vấn đề chữ ký ngay trên lá phiếu của mình.
Theo lý thuyết, toàn bộ phiếu bầu hợp lệ sẽ được tính. Tuy nhiên, vô số vấn đề và tranh cãi nổ ra xung quanh các lá phiếu, trong đó gồm nghi vấn về gian lận phiếu bầu trên quy mô lớn.
Các khu vực khác nhau ban hành quy định riêng về cách kiểm phiếu. Một số bang kiểm đếm phiếu gửi qua đường bưu điện phải được đóng dấu trước hoặc t rong Ngày bầu cử 3/11, và phải tới nơi theo hạn định. Bang California quy định phiếu gửi qua đường bưu điện phải được đóng dấu trước 3/11 và tới nơi trước 20/11.
Một số bang quy định phiếu phải được đóng dấu và tới nơi trước hoặc trong ngày bầu cử. Bang Alabama quy định phiếu bầu vắng mặt phải có dấu bưu điện trước 2/11 và tới nơi trước 12h 3/11.
Tổng giám đốc Bưu chính Mỹ Louis Dejoy do Trump bổ nhiệm hồi tháng 6 ban hành loạt biện pháp cắt giảm chi phí khiến dịch vụ chuyển phát thư chậm lại đáng kể, gây lo ngại phiếu bầu qua thư không đến đúng hạn, kể cả ở các bang chiến trường. Video quay tại phòng chuyển thư tại một bưu điện ở Miami cho thấy các lá phiếu chất đống trong thùng trên sàn "hơn một tuần".
Quan chức bầu cử và bưu điện khuyến cáo cử tri gửi phiếu bầu của mình ít nhất một tuần trước Ngày bầu cử 3/11. Một số nhà vận động khuyên cử tri vắng mặt gửi lá phiếu của mình trực tiếp cho các cơ quan bầu cử.
Ở một số nơi như bang chiến trường Wisconsin, cử tri có thể chuyển phiếu bầu vắng mặt đã điền đầy đủ thông tin tới văn phòng thư ký bang hoặc đặt chúng vào hộp thu phiếu an toàn. Cử tri có thể trực tiếp chuyển phiếu tới các điểm bỏ phiếu sớm hoặc vào ngày bầu cử.
Nhiều địa phương cho phép cử tri theo dõi tình trạng chuyển phát của phiếu bầu qua thư, song điều này không được đánh giá là an toàn. "Tôi không muốn khuyến cáo điều này cho mọi người song nếu bạn đã gửi phiếu bầu qua thư và hệ thống theo dõi chuyển phát chưa báo là nó đã tới nơi, bạn có thể cần tới bỏ phiếu trực tiếp để đề phòng (thất lạc hoặc chậm trễ)", chuyên gia McDonald viết trên Twitter.
Phiếu bầu qua thư gây ra nhiều vụ kiện tụng, đặc biệt việc liệu lá phiếu mang dấu bưu điện vào Ngày bầu cử nhưng tới nơi sau đó hợp lệ hay không. Thẩm phán các cấp ra quyết định khác nhau về vấn đề này.
Các vụ kiện liên quan đến ba bang chiến trường Pennsylvania, Michigan và Wisconsin được nhận định là quan trọng nhất. Đảng Cộng hòa và Dân chủ sẵn sàng đấu tranh quanh việc kiểm đếm các lá phiếu vắng mặt tới nơi muộn, vốn có thể đảo ngược kết quả.
Pennsylvania, Michigan và Wisconsin chưa kiểm đếm phiếu bầu qua thư và giới chức bầu cử tại đây cho biết có thể công bố kết quả từ ngày 4/11. Thống đốc Pennsylvania, Michigan và Wisconsin là đảng viên Dân chủ, trong khi phe Cộng hòa chiếm đa số tại các bang này, dẫn đến khả năng xảy ra tranh cãi về cách kiểm đếm phiếu bầu qua thư.
Thời điểm kết quả được công bố phụ thuộc nhiều yếu tố. "Ứng viên thậm chí không có cơ hội giành chiến thắng cho tới khi Florida, Georgia và Bắc Carolina báo cáo kết quả", Jim VandeHei, một phóng viên chuyên theo dõi Nhà Trắng, cho biết. "Nhiều khả năng sẽ cần đợi kết quả rõ ràng tại Pennsylvania, nơi dự kiến mất nhiều ngày để kiểm toàn bộ phiếu bầu qua thư".
"Đừng mong đợi một người chiến thắng nhanh chóng và rõ ràng", VandeHei cho biết. "Sẽ mất thời gian kiểm các phiếu bầu qua thư và vắng mặt".
Ngoài các vụ kiện về phiếu bầu thất lạc cùng nguy cơ biểu tình và bạo lực vũ trang, truyền thông Mỹ đưa tin Trump có thể gây ra tình trạng không chắc chắn khi tuyên bố chiến thắng trước khi các lá phiếu được kiểm. Điều này có thể khiến cả nước Mỹ rơi vào hỗn loạn ngay trong đêm bầu cử. Số phiếu bầu được kiểm sau Ngày bầu cử 3/11 có thể nghiêng về phía đảng Dân chủ.
Trong nền chính trị Mỹ hiện đại, lần duy nhất tòa án tối cao can thiệp vào bầu cử là năm 2000 để chấm dứt kiểm phiếu lại tại bang Florida. Khi đó ứng viên Cộng hòa George W. Bush giành chiến thắng sít sao trước đối thủ Al Gore.
Nguyễn Tiến (Theo Guardian)