Một số nhà sử học cho rằng hình thức bỏ phiếu qua thư, hay bỏ phiếu vắng mặt, ở Mỹ có thể đã xuất hiện từ thời thuộc địa, nhưng người Mỹ lần đầu tiên bỏ phiếu vắng mặt trên quy mô lớn là trong thời kỳ Nội chiến (1861-1865), khi nhiều binh sĩ được phép bỏ phiếu qua đường bưu điện vì phải chiến đấu xa nhà.
Trong cuộc bầu cử năm 1864, khi tổng thống đương nhiệm của đảng Cộng hòa Abraham Lincoln cạnh tranh với ứng viên đảng Dân chủ George McClellan, nhiều lính Mỹ đã bỏ phiếu tại doanh trại hoặc bệnh viện dã chiến, dưới sự giám sát của quan chức bang.
"Hình thức bỏ phiếu vắng mặt bắt đầu từ thời kỳ Nội chiến, là sản phẩm của cuộc đối đầu giữa Lincoln và McClellan", Paul Gronke, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Reed và nhà sáng lập của Trung tâm Thông tin Bầu cử sớm, cho biết. "Lincoln muốn đảm bảo ông ấy nhận được phiếu bầu từ những người lính chiến đấu xa nhà".
Hình thức bỏ phiếu này vẫn được duy trì sau khi Nội chiến kết thúc. Trong các cuộc xung đột sau đó, nhiều bang ngày càng tạo điều kiện cho binh lính chiến đấu xa nhà thực hiện quyền bỏ phiếu. Trong Thế chiến I, gần như tất cả các bang đều cho phép binh lính bỏ phiếu từ xa "ít nhất là trong thời chiến", theo nhà sử học Alex Keyssar.
Cũng vào thời kỳ đó, những người không có mặt ở nhà vì lý do công việc, không liên quan tới hoạt động quân sự, cũng bắt đầu được phép bỏ phiếu vắng mặt. "Các bang sẽ có ngoại lệ cho một số trường hợp cụ thể, như nhân viên đường sắt hay người bị ốm", John C. Fortier, tác giả cuốn sách Absentee and Early Voting (Bỏ phiếu vắng mặt và Bầu cử sớm), nói.
Nhiều thập kỷ sau đó, người bỏ phiếu qua thư phải đưa ra lý do thuyết phục về việc không thể bỏ phiếu trực tiếp trong Ngày bầu cử. Điều này bắt đầu thay đổi từ năm 1978, khi California trở thành bang đầu tiên cho phép cử tri bỏ phiếu vắng mặt mà không cần lý do, theo giáo sư Gronke.
Oregon cũng là một trong những bang sớm nhất ở Mỹ áp dụng hình thức bỏ phiếu qua thư. Đây là bang đầu tiên ở Mỹ tổ chức bầu cử sơ bộ hoàn toàn qua thư năm 1995 và tổng tuyển cử hoàn toàn qua thư năm 1996. Từ năm 2000, Oregon đã trở thành bang hoàn toàn áp dụng hình thức bỏ phiếu qua thư cho mọi cuộc bầu cử, sau khi được 70% cử tri ủng hộ.
Theo Time, Mỹ hiện có 5 bang cho phép bỏ phiếu qua thư hoàn toàn gồm Oregon, Washington (năm 2011), Colorado (năm 2013), Utah (năm 2014) và Hawaii (thông qua năm 2019). 29 bang và thủ đô Washington cho phép cử tri bỏ phiếu qua thư không cần lý do, trong khi 16 bang khác cho phép bỏ phiếu qua thư nếu có lý do hợp lý.
Vì đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong cuộc bầu cử năm nay, có thêm 4 bang cho phép cử tri đăng ký bỏ phiếu qua thư hoàn toàn, gồm Nevada, New Jersey, California và Vermont.
Nhiều quan chức bầu cử cho rằng bỏ phiếu qua thư giữa đại dịch là lựa chọn hợp lý và cử tri có thể tin tưởng vào hình thức bỏ phiếu "an toàn và bảo mật" này. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump và nhiều thành viên đảng Cộng hòa nhiều lần cáo buộc hình thức bỏ phiếu qua thư sẽ dẫn tới gian lận quy mô lớn, dù không đưa ra bằng chứng.
"Bỏ phiếu qua thư rất nguy hiểm đối với đất nước này bởi những kẻ gian lận. Họ sẽ thu thập chúng. Trong nhiều trường hợp, họ chiếm đoạt chúng", Tổng thống Trump nói với cử tri Wisconsin tại một sự kiện hồi tháng 9.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định gian lận bầu cử rất hiếm xảy ra ở Mỹ. Trong cuộc bầu cử năm 2016, 1/4 cử tri Mỹ bỏ phiếu qua thư và chỉ có 0,00006% trong số 250 triệu phiếu bầu qua thư trên toàn nước Mỹ là gian lận, theo các nhà khoa học chính trị của MIT, nhóm chuyên phân tích Dữ liệu Gian lận Bầu cử của Quỹ Di sản.
Nhiều nhà nghiên cứu đã tập trung vào nguy cơ gian lận mạo danh, có nghĩa một cử tri giả mạo danh tính người khác để bầu cử. Justin Levitt, giáo sư luật tại Trường Luật Loyola và người nghiên cứu về gian lận bầu cử, cho biết chỉ ghi nhận 31 vụ mạo danh trên hơn một tỷ phiếu bầu trong giai đoạn 2000-2014 trên cả nước Mỹ.
5 bang bầu cử hoàn toàn qua thư gồm Colorado, Hawaii, Oregon, Utah và Washington hầu như không ghi nhận trường hợp gian lận nào. Oregon, bang có hơn 100 triệu phiếu bầu qua thư kể từ năm 2000, chỉ báo cáo hơn 10 trường hợp gian lận.
Để hạn chế các trường hợp gian lận, các cơ quan bầu cử Mỹ đã áp dụng nhiều lớp bảo mật đối với phiếu bầu qua thư. Tất cả 50 bang và Đặc khu Columbia yêu cầu cử tri ký vào bản tuyên bố hoặc tuyên thệ khi bỏ phiếu qua thư, trong khi một số bang còn yêu cầu thông tin cá nhân như ngày tháng năm sinh, địa chỉ và số giấy phép lái xe. Sau đó, chữ ký của người bỏ phiếu sẽ được đối chiếu với chữ ký trên hồ sơ đăng ký cử tri.
8 bang yêu cầu chữ ký của người làm chứng, trong khi ba bang yêu cầu công chứng, theo Hội nghị Quốc gia của Các cơ quan lập pháp bang (NCSL). Alabama có lẽ là bang có quy định nghiêm ngặt nhất, khi yêu cầu cử tri nộp bản sao giấy tờ tùy thân, cùng chữ ký của công chứng viên hoặc hai người làm chứng.
Việc mở phong bì bầu cử thường được giao cho một nhóm nhân viên khác với nhóm phân loại phiếu bầu. Các quan sát viên bên ngoài, thường do một đảng hoặc chiến dịch tranh cử chỉ định, được phép giám sát quy trình hậu bầu cử, như kiểm phiếu.
Tất cả trừ 4 bang Bắc Carolina, Kansas, Maine và Florida đều cho phép quan sát viên của các đảng theo dõi quy trình kiểm phiếu, theo NCSL.
Các phiếu bầu cũng có hình thức khác nhau, tùy từng bang, hạt và thị trấn, bởi hầu hết cử tri Mỹ không chỉ bầu tổng thống mà còn chọn các vị trí trong quốc hội và chính quyền địa phương. Bất kỳ phiếu bầu nào không phù hợp với hình thức quy định ban đầu đều bị coi là không hợp lệ.
Nhiều khu vực thậm chí sử dụng mã vạch trên phong bì để kiểm soát phiếu bầu, theo Trung tâm Tư pháp Brennan thuộc Đại học New York. Mã vạch cũng cho phép cử tri theo dõi phiếu bầu của họ để đảm bảo nó được tiếp nhận.
Tại các bang không tự động gửi phiếu bầu cho cử tri theo danh sách đăng ký bầu cử ban đầu, cử tri có thể gửi thư, gọi điện hoặc truy cập vào trang web bầu cử để yêu cầu giới chức bang gửi phiếu bầu qua thư. Cử tri phải cung cấp thông tin cá nhân và địa chỉ khi gửi yêu cầu. Sau khi nhận được yêu cầu, giới chức bầu cử địa phương sẽ gửi phiếu bầu kèm hai phong bì thư về địa chỉ mà cử tri cung cấp.
Sau khi điền đầy đủ thông tin trong phiếu bầu, cử tri sẽ cho phiếu vào một phong bì thư dán lại, sau đó cho tiếp vào phong bì thư thứ hai và ký tên xác nhận bên ngoài. Cử tri có thể gửi phiếu bầu qua đường bưu điện, bỏ phiếu tại các hòm phiếu được đặt ở nhiều địa điểm gần khu vực sinh sống, hoặc tự mang tới các địa điểm bầu cử trong ngày bầu cử sớm hoặc bầu cử chính thức.
Quy trình soát và kiểm phiếu bầu được đánh giá là khá phức tạp, bởi mỗi bang đều có quy định riêng về thời gian và cách thức tiến hành. Thông thường, quy trình sẽ bắt đầu bằng việc xác minh chữ ký trên bì thư, để xem nó có trùng khớp với tên cử tri trong danh sách đăng ký của bang và lá phiếu có được gửi từ đúng địa chỉ đã đăng ký trước đó hay không. Khi xác thực xong, họ sẽ xé bì thư có chữ ký cử tri bên ngoài và lấy bì thư đựng phiếu bầu.
Tùy vào tình hình và quy định thực tế của bang, quy trình này có thể bắt đầu từ trước ngày bầu cử 22 ngày như Florida, hay 14 ngày như Arizona hoặc là vào ngày bầu cử, theo NCSL. Cơ quan bầu cử địa phương sẽ tiến hành kiểm phiếu theo thời gian được ấn định của từng bang, sau đó cộng vào kết quả kiểm phiếu trực tiếp để có kết quả bầu cử cuối cùng của bang.
Với quy trình được đánh giá khá nghiêm ngặt, giới chuyên gia nhận định bỏ phiếu qua thư ở Mỹ rất hiếm xảy ra gian lận. Ngoài ra, khi phân tích dữ liệu giai đoạn 1996-2018 của ba bang bỏ phiếu qua thư, California, Utah và Washington, các học giả đến từ Phòng nghiên cứu Phân cực và Dân chủ tại Đại học Stanford cũng cho biết họ không phát hiện bỏ phiếu qua thư có thể có lợi cho bất kỳ đảng phái chính trị nào. Điều này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của Tổng thống Trump rằng đảng Cộng hòa không bao giờ thắng cử nếu hình thức bỏ phiếu qua thư được mở rộng.
Fortier cũng nhận định hình thức bỏ phiếu qua thư cơ bản không "khiến nhiều người kéo tới địa điểm bầu cử, tạo điều kiện thuận lợi cho những người bỏ phiếu trực tiếp".
Thanh Tâm (Theo Time, NYTimes, Coloradoan, Reuters)