Vài ngày qua, giới chức Thụy Sĩ chạy đua với thời gian để tìm ra phương án giải quyết cuộc khủng hoảng niềm tin ở Credit Suisse. Cuối cùng, họ đã thu xếp cho UBS mua lại đối thủ với giá 3,2 tỷ USD.
Sau khủng hoảng tài chính 2008, các chính trị gia đã cam kết không bao giờ cứu trợ các ngân hàng nữa. Tuy nhiên, việc ngân hàng lớn nhì Thụy Sĩ cần giải cứu cho thấy các nhà băng vẫn rất dễ tổn thương. Sự trượt dốc của Credit Suisse là đòn giáng vào danh tiếng ngành ngân hàng Thụy Sĩ, đồng thời gây tác động lan truyền lên thị trường tài chính toàn cầu sau hai vụ sụp đổ ngân hàng Mỹ trước đó.
Theo giới phân tích, dưới đây là những bên hưởng lợi và chịu thiệt hại từ thương vụ này:
UBS
Sau khi tiếp quản Credit Suisse, quy mô mảng quản lý tài sản của UBS sẽ lên 5.000 tỷ USD. Họ cũng sẽ nhận thêm mảng kinh doanh tại Thụy Sĩ đầy sinh lợi của Credit Suisse. Giới phân tích cho rằng riêng giá trị mảng này đã cao gấp 3 lần mức giá UBS trả cho cả thương vụ mua Credit Suisse.
UBS cũng sẽ trở thành cái tên dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực quản lý tài sản cho người giàu. Đây cũng là nhà băng vốn đang dẫn đầu mảng này tại Trung Quốc. Vị thế của họ tại phần còn lại của châu Á sẽ càng được củng cố khi sáp nhập Credit Suisse.
Ngoài ra, UBS cũng sẽ loại bỏ được một đối thủ trong mảng giao dịch chứng khoán. Năm ngoái, UBS kiếm được 7,1 tỷ USD từ mua bán trái phiếu, cổ phiếu và tiền tệ. Mảng này đem về cho Credit Suisse 3,2 tỷ USD.
CEO UBS Ralph Hamers và các lãnh đạo nhà băng này sẽ còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là với quyết định giữ lại, thay thế hay loại bỏ mảng nào, nhân sự nào. Dù vậy, họ sẽ nhận được 56 tỷ franc để bù vào các khoản bị giảm trừ giá trị, cùng 9 tỷ franc từ chính phủ Thụy Sĩ để bù đắp tổn thất khi tiếp quản Credit Suisse. Họ cũng sẽ được tiếp cận hạn mức vay lớn từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ.
Các cổ đông hàng đầu của Credit Suisse
Cổ đông lớn nhất của Credit Suisse - Ngân hàng Saudi National Bank - đã lỗ 1,1 tỷ franc trong chưa đầy 15 tuần sau khi mua cổ phần nhà băng này. Chỉ vài tháng trước, họ còn cho rằng mình đã mua được giá hời khi trở thành cổ đông lớn nhất tại đây. Dù vậy, chính Chủ tịch Saudi National Bank cũng góp phần gây ra sự hoảng loạn trên thị trường tuần này khi phủ nhận kế hoạch tăng vốn tại Credit Suisse.
Quỹ đầu tư Quốc gia của Qatar - QIA đổ tiền vào ngân hàng này từ khủng hoảng tài chính 2008. Ngoài việc là cổ đông lớn thứ hai, họ còn từng sở hữu trái phiếu của Credit Suisse. Giá trị số trái phiếu này đã bị điều chỉnh về 0 sau thương vụ. Hiện chưa rõ QIA còn nắm lượng trái phiếu này không.
Các cổ đông không được quyền bỏ phiếu với thương vụ mua lại này, do Thụy Sĩ đã thay đổi luật để đẩy nhanh việc sáp nhập.
CEO Credit Suisse Ulrich Koerner
Giám đốc điều hành Credit Suisse được dự báo rời đi, sau khi không thể hồi sinh ngân hàng này. Ông chỉ mới đảm nhận vị trí này từ hè năm ngoái và đã đưa ra kế hoạch giúp lật ngược tình thế cho ngân hàng. Kế hoạch 3 năm mà ông công bố năm ngoái gồm cắt giảm 9.000 việc làm, tách riêng mảng ngân hàng đầu tư và đưa Credit Suisse quay về làm ngân hàng cho giới siêu giàu.
Những nỗ lực trên phát huy hiệu quả phần nào trong tháng 1, khi Credit Suisse ghi nhận tiền gửi ròng tăng lên. Tuy vậy, vài ngày gần đây, cuộc khủng hoảng niềm tin ngày càng trầm trọng đã khiến Credit Suisse chịu nhiều sức ép và chính phủ Thụy Sĩ phải vào cuộc.
Các chủ sở hữu trái phiếu
Nhà đầu tư trái phiếu thường được bảo vệ quyền lợi tốt hơn các cổ đông. Nhưng trường hợp này thì không. Giới chức Thụy Sĩ cho biết giá trị số trái phiếu cấp 1 bổ sung (vào khoảng 17 tỷ USD) sẽ bị điều chỉnh về 0. Việc này nhằm củng cố vốn của nhà băng.
Điều này đồng nghĩa các trái chủ sẽ không nhận được gì. Trong khi đó, các cổ đông của Credit Suisse – nhóm thường chịu thiệt đầu tiên khi một nhà băng gặp rắc rối – thì lại được hơn 3 tỷ USD.
Trái phiếu cấp 1 bổ sung (Additional Tier 1 bond) được đưa ra sau khủng hoảng tài chính 2008. Đây là bộ đệm vốn cho ngân hàng, giúp chính phủ không phải dùng ngân sách hỗ trợ khi một nhà băng sụp đổ.
Giới chức Thụy Sĩ
Cơ quan Quản lý Thị trường Tài chính Thụy Sĩ (Finma) trở thành cơ quan quản lý đầu tiên phải giải cứu một ngân hàng có tầm quan trọng lớn với tài chính toàn cầu kể từ khủng hoảng 2008. Chính phủ Thụy Sĩ đã phải cung cấp hàng tỷ franc tiền bảo đảm cho UBS. Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ cũng buộc phải cấp hạn mức cho vay khổng lồ để hỗ trợ việc giải cứu, chỉ 15 năm sau khi họ cứu trợ UBS.
Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter thừa nhận đây là cách duy nhất để bình ổn các thị trường tài chính toàn cầu. Dù vậy, cách này cũng là khoản đặt cược đầy rủi ro vì khiến kinh tế Thụy Sĩ giờ chỉ còn phụ thuộc vào một ngân hàng.
Tổng giá trị tài sản của UBS và Credit Suisse hiện gần gấp đôi GDP Thụy Sĩ. Credit Suisse từng có tổng tài sản hơn 1.000 tỷ USD, nhưng sau nhiều năm sụt giảm chỉ còn khoảng 580 tỷ USD. Con số này tương đương gần một nửa tổng giá trị tài sản của UBS.
Hà Thu (theo Bloomberg, Reuters)