Chiều 13/10, Thành, 27 tuổi, trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy nhắn tin rủ bạn chiều mai vào công viên Cầu Giấy chạy, sau nhiều ngày chỉ có thể tập thể dục bên ngoài.
"Hơn nửa tháng chờ đợi, đây là tin tức tươi sáng nhất với mình", Thành nói. Theo công điện mới của Hà Nội, từ 6h ngày 14/10, thành phố cho mở cửa công viên, khôi phục hàng loạt hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Điều này đồng nghĩa với việc từ ngày mai, Thành có nơi thể dục an toàn hơn, thay cho việc phải tranh giành lòng đường với các phương tiện giao thông.
Thành có thói quen chạy bộ từ hơn 3 năm qua. Do Covid-19 bùng phát ở thủ đô, từ ngày 8/7, thành phố cấm các hoạt động thể dục ngoài trời nên thói quen này bị gián đoạn. "Lúc nào tôi cũng thèm chạy. Tôi không thể tập thể dục trong 4 bức tường", Thành nói.
Sau hơn hai tháng giãn cách, từ ngày 28/9, người Hà Nội được phép thể dục, thể thao ngoài trời, dù các công viên, vườn hoa vẫn chưa được mở cửa. Kể từ hôm đó, Thành lại đi tập nhưng không phải những cung đường rộng, bằng phẳng và uốn lượn trong công viên, anh phải chạy dưới lòng đường. "Vỉa hè rất hẹp, nhiều chỗ đang thi công dở dang, người đi tập đông nên tôi chỉ còn cách đó", anh nói. Để giữ an toàn, chàng trai 27 tuổi chuyển sang đi bộ nhanh do đường tối, hay bị xe bật đèn pha rọi thẳng vào mắt. Mỗi ngày đi chạy, Thành đều cầu mong công viên sớm mở cửa.
Tin mở cửa công viên cũng khiến anh Nguyễn Đức Nghĩa, 45 tuổi, trú tại phường Yên Hoà thở phào nhẹ nhõm. Anh cho biết mình thường gặp khó khăn khi chạy bộ bởi việc chạy trên vỉa hè, chỗ lên cao, chỗ xuống thấp, khiến anh không thể thích nghi. Chỗ tập của anh cũng là lòng đường. "Biết nguy hiểm, nhưng chạy trên vỉa hè khó lắm", anh Nghĩa nói và cho rằng thành phố nên mở cửa sớm hơn vì "thể dục trên vỉa hè cũng đâu khác gì trong công viên".
Những ngày công viên chưa mở không chỉ gây khó cho người tập mà chính cả người điều khiển phương tiện giao thông. Nguyễn Phương Thảo, 28 tuổi, trú tại phường Dịch Vọng Hậu từng suýt đâm vào một người chạy bộ dưới lòng đường, ngoài công viên Nghĩa Đô cách đây ba ngày, do đường tối, khuất tầm nhìn. "May lúc đó mình phanh kịp, đằng sau không có xe nên không xảy ra thiệt hại", cô gái trẻ nhớ lại.
Dẫu vậy, có những người không hào hứng với tin này. Ông Phạm Đình Trọng, 76 tuổi trú tại phường Dịch Vọng cho rằng khi công viên Cầu Giấy mở cửa, sẽ có rất đông người đến tập thể dục, vui chơi, trong đó có cả những gia đình cho trẻ nhỏ đến hóng mát, tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. "Theo tôi nên để thêm một thời gian nữa, chờ tình hình dịch ổn", ông Trọng nói.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội, việc Hà Nội không mở mở lại công viên từ ngày 28/9 là để tránh tình trạng tập trung trên 10 người. Trước tình hình mới, cơ quan chức năng đã có điều chỉnh phù hợp.
"Dù mở cửa hay không, người dân khi tập thể dục ngoài trời cần đảm bảo các biện pháp phòng dịch. Đeo khẩu trang, tuân thủ 5K và hạn chế tập trung đông người", Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh khuyến cáo.
Còn với riêng Thành, nỗi lo liên tục gặp "chướng ngại vật" sẽ không còn, chiều mai anh có thể tự tin sải bước quanh công viên. "Gánh nặng tránh người, tránh ổ gà, phương tiện giao thông của tôi như được trút bỏ", anh cười.
Quỳnh Nguyễn