Từ 1/4, cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19. Trên Facebook của anh Nguyễn Tiến Đạt, một "dân chạy" phong trào ở Hà Nội, có những người bạn kêu chán vì không thể ra đường tập luyện như ngày thường. "Để động viên tinh thần mọi người, tôi lên mạng rủ bạn bè chạy quanh nhà, theo đúng tinh thần giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập", anh Đạt kể.
Đặt mục tiêu hoàn thành đường chạy marathon dài 42,195 km, 8h sáng 4/4, anh Đạt lên tầng thượng toà chung cư mình ở Ô Chợ Dừa, Đống Đa. Thời tiết những ngày qua mưa phùn nên mặt sân có rêu, khá trơn trượt. Anh chạy chậm.
Từng có những lần tập chạy dài một mình ở núi Hàm Lợn, Sóc Sơn hay hoàn thành cự ly 100 km ở Sapa nên mục tiêu lần này không khó đối với chân chạy 8X có 7 năm kinh nghiệm chạy bộ này. Song vì chiều dài sân thượng chỉ có 25 mét nên anh phải quay khoảng 850 vòng, tương đương 1.700 lần quay đầu. Có những lúc anh thấy nhàm chán. "Khi quay thì đầu gối khó chịu. 10 km đầu tôi khá phân tâm, chạy mất 1,5 tiếng, trong khi nếu đường thẳng dưới đất thì mất khoảng 50 phút", anh chia sẻ.
Những km sau, anh bật một bài sách nói và tập trung vào mạch sách, không còn đếm số vòng nữa. Sau 6 giờ 22 phút 11 giây, anh chính thức hoàn thành thử thách chạy marathon trên sân thượng. Thậm chí, đồng hồ đếm giờ và quãng đường chạy của anh còn hiển thị 42,84 km, nhiều hơn chặng marathon thông thường.
Sau khi hoàn thành đường chạy, anh Đạt càng thấy rằng thể thao rèn cho mình tính kiên nhẫn. Để hoàn thành đường chạy buồn tẻ như vậy thật sự cần "tinh thần thép". "Qua việc hoàn thành mục tiêu, tôi mong muốn cổ vũ mọi người tích cực và kiên nhẫn thực hiện cách ly xã hội", anh Đạt nói.
Nhiều hội, nhóm chơi thể thao cũng đang triển khai các thử thách hưởng ứng 15 ngày hạn chế ra đường. Anh Đỗ Quốc An, 38 tuổi một trong những người khởi xướng phong trào leo cầu thang bộ để thể dục với tên gọi "Challenge leo cầu thang diệt Covid-19" từ 1/4 đến hết ngày 15/4. Thử thách này chia thành các hạng: nông dân, bá tước, công tước, vương gia, đế vương, đại đế. Trong đó hạng nông dân là khó khăn nhất với việc leo 200 tầng/ngày, hạng bá tước là 150 tầng/ngày...
Anh An tham gia hạng bá trước, mỗi ngày leo 150 tầng cầu thang. Anh leo từ tầng một tới tầng 25 chung cư nhà mình, sau đó quay lại, tổng cộng lên xuống 6 lần trong khoảng một tiếng. "Với những người luyện tập thể thao lâu năm thì tốc độ lên xuống gần như ngang nhau, thậm chí đi xuống còn khó hơn đi lên vì có thể bị chùn bước, dễ ngã", anh chia sẻ. Tới sáng 7/4, anh đã leo được một tuần liên tục.
Từng có thời gian cân nặng mất kiểm soát, tăng lên đến 90 kg nên bốn năm trở lại đây anh Quốc An tập luyện thể thao chăm chỉ hơn với các bộ môn chính như chạy bộ, đạp xe. Anh từng tham gia giải Ironman 70.3 tại Đà Nẵng - bộ môn thể thao 3 môn phối hợp giữa chạy, bơi, đạp xe với tổng chiều dài 113 km.
Từ sau Tết, dịch bệnh bùng phát, anh An không còn tụ tập, hạn chế tiếp xúc với các thành viên trong câu lạc bộ đạp xe sau mỗi buổi tập. Từ đầu tháng 4 tới nay, anh tập trong nhà. Ngoài leo cầu thang buổi sáng, anh còn đạp xe trên con lăn (Rulo) các buổi chiều. Vợ và con anh tập yoga hàng ngày theo các video hướng dẫn qua mạng.
Ngoài anh An, thử thách này đang thu hút hơn 30 người tham gia, cả nam lẫn nữ. Trong số này có anh Nguyễn Tiến Hùng, ở Tây Hồ, đăng ký hạng mục cao nhất là leo 200 tầng/ngày. Ở tuổi ngoài 50, anh Hùng khiến không ít người khâm phục khi chọn hạng mục này. Tuy nhiên anh giải thích "để leo được mức này không quan trọng sức nhiều hay ít mà là một quá trình, phải duy trì".
Bên cạnh chơi các môn chạy, bơi, đạp xe, anh Hùng cũng leo cầu thang bộ những ngày mưa không ra ngoài được. Ban đầu chỉ leo 4-5 lượt đã thấy mỏi, nhưng dần dần thấy "dư sức" và tăng dần mức tập luyện lên. Sau vài ngày leo 9 vòng lên xuống toà nhà 21 tầng nơi mình sống (tương đương 200 tầng) anh Hùng thấy mình vẫn có thể leo hơn được.
"Tôi thường dậy ra thang thoát hiểm leo cầu thang từ 5h30, tới khoảng gần 7 giờ là hoàn thành mục tiêu. Buổi chiều đi làm về tôi không đi thang máy mà tiếp tục leo lên nhà mình ở tầng cao nhất. Vừa có sức khoẻ, lại không phải tiếp xúc với ai", anh chia sẻ.
Anh Minh Thành, 48 tuổi cũng gây chú ý trong giới chơi thể thao Hà Nội mới đây khi đạp xe 100 km trong chính ngôi nhà mình. Bình thường có thể đạp 400-500 km, song đạp 100 km tại nhà cũng không hề dễ dàng, do không có đồng đội, đơn điệu. Anh Thành đã bật video đường đua để lấy cảm hứng. Sau 2h15', anh hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Trên Facebook còn có nhiều hội nhóm khác đưa ra các thử thách plank, chống đẩy, hít xà... để lan toả phong trào rèn luyện sức khoẻ, tăng sức đề kháng chống dịch. Ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cũng phát động phong trào tập luyện "diệt Covid-19" trên trang cá nhân. Ông Hùng đưa ra thử thách 19 ngày chống đẩy, bắt đầu từ 28/3 đến hết 15/4. Mỗi ngày người tham gia thực hiện chống đẩy liên tục tối thiểu 19 lần/ngày, quay video đăng lên Facebook cá nhân và phải mời được ít nhất một người bạn tham gia.
"Phần thưởng cho mỗi người tham gia thử thách là được khỏe mạnh hơn, vui tươi hơn", ông Hùng viết.
Nếu không đủ 19 lần hít đất/ngày sẽ phải tự nguyện đóng góp 20.000 đồng cho một lần thiếu vào quỹ chống dịch của UBTW MTTQ Việt Nam. Ví dụ thiếu 3 cái hít đất sẽ phải đóng 60 nghìn đồng. Đến nay đã có gần trăm người tham gia vào thử thách cùng ông Hùng.
Phan Dương