Nghị định 90 (thay thế hai nghị định 56 và 88) của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức viên chức có hiệu lực từ ngày 20/8. VnExpress phỏng vấn đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Nguyễn Tư Long - Phó vụ trưởng Công chức, Viên chức (Bộ Nội vụ) về nội dung này.
- Những điểm mới của Nghị định 90 so với quy định trước đây là gì, thưa ông?
- Nghị định đã nêu rõ các tiêu chí cụ thể để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức là hoàn thành xuất sắc; hoàn thành tốt; hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, không tiếp tục quy định mức đánh giá "hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực" để phù hợp với Luật hiện hành.
Các tiêu chí của từng mức được xác định cụ thể. Ví dụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì ngoài các tiêu chuẩn đạo đức, lối sống, chính trị, tư tưởng..., cán bộ phải hoàn thành tất cả các nhiệm vụ bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao, đồng thời có ít nhất 50% công việc vượt yêu cầu. Sự khác nhau cơ bản giữa các mức hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt và hoàn thành nhiệm vụ nằm ở tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Tất nhiên, hoàn thành nhiệm vụ thì anh cũng phải cơ bản hoàn thành những nhiệm vụ được giao, chỉ còn một hai nội dung bị chậm trễ.
Quy trình thủ tục và thẩm quyền đánh giá cũng đã được hoàn thiện. Theo đó, thẩm quyền đánh giá gắn với người sử dụng cán bộ. Ví dụ, ở các bộ có tổng cục thì Bộ trưởng sẽ đánh giá Tổng cục trưởng, Tổng cục trưởng đánh giá Cục trưởng; Cục trưởng lại đánh giá các phòng ban...
Quy định về thẩm quyền và trình tự cũng được hoàn thiện theo hướng bảo đảm nghiêm túc nhưng không làm phát sinh thủ tục hành chính. Chẳng hạn, đối với các tổng cục quản lý trên phạm vi cả nước, để đánh giá tổng cục trưởng bắt buộc phải có ý kiến của người đứng đầu đơn vị cấu thành là cục trưởng, nhưng Nghị định cho phép đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị có quy mô lớn, người đứng đầu các đơn vị cấu thành có thể tham gia ý kiến bằng văn bản.
Như vậy, vẫn thực hiện được đúng chủ trương đánh giá đa chiều, có ý kiến của cấp dưới với cấp trên nhưng không phát sinh thủ tục hành chính, chi phí tốn kém. Đối với những đơn vị có quy mô nhỏ thì vẫn thực hiện thông qua hình thức tổ chức cuộc họp.
- Vì sao nghị định mới bỏ mức xếp loại "hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực"?
- Quy định này xuất phát từ luật Cán bộ, công chức năm 2008. Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện, chúng tôi nhận thấy mức đánh giá này chưa phù hợp với thực tiễn. Tâm lý của nhiều cán bộ, công chức, họ có thể nhận mức đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ, song bảo rằng "hoàn thành nhiệm vụ nhưng hạn chế về năng lực" thì họ lại không hài lòng. Tiêu chí để đánh giá "hạn chế về năng lực" trong trường hợp này cũng rất khó. Càng chẻ nhỏ các mức đánh giá thì càng khó xác định tiêu chí đối với từng mức.
Hơn nữa, việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức phải đảm bảo liên thông với đánh giá giữa quy định của Đảng, Nhà nước. Hiện quy định của Đảng không có đánh giá "hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực", chỉ có hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy chúng tôi bỏ mức đánh giá ở giữa, chỉ còn hoàn thành nhiệm vụ hoặc không.
- Nghị định mới đã bỏ tiêu chí "phải có sáng kiến, đề tài, đề án mới được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ". Ông nói gì về nội dung này?
- Trước tiên phải khẳng định việc bỏ quy định về sáng kiến không có nghĩa là không coi trọng sự sáng tạo trong thực thi công vụ, và đặc biệt là trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức. Tuy nhiên, nếu coi sáng kiến, đề tài, đề án là tiêu chí bắt buộc để được đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thì quá trình thực hiện cho thấy rất hình thức, lãng phí, tốn kém. Thậm chí đây là lý do xuất hiện tiêu cực như tình trạng "đạo sáng kiến"; vi phạm pháp luật khi có những trang web nhận đặt hàng viết sáng kiến thuê.
Thực tế cũng có sự lẫn lộn giữa việc thực thi nhiệm vụ và sáng kiến, đề tài, đề án. Nhiệm vụ của anh là xây dựng văn bản, nhà nước trả tiền lương để anh làm việc đó, anh lại cầm văn bản ra bảo đó là sáng kiến thì không đúng. Công chức, viên chức cứ thực thi nhiệm vụ đúng theo quy định của pháp luật; giáo viên dạy học sinh thật tốt; bác sĩ chăm sóc bệnh nhân tận tình; bình thường có thể làm một việc mà nỗ lực hoàn thành đến hai, ba thì đã là hoàn thành xuất sắc công việc rồi.
Cụ thể, như đội ngũ y bác sĩ trong thời gian qua thực hiện chống dịch vất vả. Nỗ lực như vậy, đâu còn thời gian để báo cáo sáng kiến và đề tài, đề án? Không lẽ không có thì họ không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong khi được cả xã hội ghi nhận hay sao?
Việc bỏ quy định cán bộ, công chức, viên chức phải có sáng kiến, đề tài, đề án không phải nới lỏng tiêu chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mà quy trình đánh giá vẫn rất chặt chẽ. Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm về số lượng đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
- Kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức được sử dụng như như thế nào?
- Công tác đánh giá cán bộ có vai trò cực kỳ quan trọng. Trong nhà nước hay các cơ quan bên ngoài, có đánh giá được cán bộ thì chúng ta mới biết xu hướng phát triển; phục vụ công tác đào tạo, luân chuyển, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm... Không những thế, theo quy định công chức, viên chức hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì bị buộc thôi việc. Có thể nói đánh giá là gốc của công tác cán bộ.
Việc đánh giá công chức, viên chức được thực hiện hàng năm, ngay từ khi một người bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tại các cơ quan nhà nước. Thông qua đó, cơ quan sử dụng lao động có thể nắm bắt được năng lực thực chất của mỗi người, làm cơ sở cho việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế cận.
Tuy nhiên, đánh giá cán bộ vẫn được nhìn nhận là khâu yếu trong suốt thời gian qua, không đi vào thực chất, còn nể nang, né tránh. Nguyên nhân là chưa có những hệ tiêu chí để đánh giá. Mặt khác, muốn đánh giá được một cán bộ, công chức hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ, cần xác định rõ nhiệm vụ của anh ta là gì, tức là phải xuất phát từ vị trí việc làm.
Trong khi đó, vị trí việc làm ở nước ta đang hoàn thiện. Rồi liên quan đến vị trí việc làm, phải ổn định tổ chức bộ máy mới xác định được chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, nếu cứ thay đổi tổ chức bộ máy thì rất khó. Ví dụ 3-4 sở nhập vào nhau sẽ thay đổi chức năng nhiệm vụ, từ đó vị trí việc làm của nhân sự cụ thể cũng sẽ khác.
- Như ông nói việc đánh giá cán bộ, công chức thời gian qua còn hình thức, vậy nghị định này đưa ra những giải pháp nào?
- Trung ương chỉ đạo là việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức phải đi vào thực chất, bằng sản phẩm cụ thể để tránh cảm tính. Nghị định xây dựng theo hướng đó. Anh hoàn thành hay không hoàn thành công việc, tất cả đều thể hiện qua kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Mỗi ngành nghề, vị trí công tác có yêu cầu khác nhau về định mức, sản phẩm cụ thể, do vậy, xác định như thế nào thuộc thẩm quyền của cấp quản lý. Tuy nhiên, cấp quản lý phải xem công việc công chức, viên chức được giao là gì. Đây là vấn đề không dễ. Nhiều nơi có tình trạng càng làm được việc thì càng được giao nhiều việc, mà đã làm chắc chắn có sơ suất, chỉ có không làm mới không sai. Như vậy không thể coi người được giao 10 việc khó, chỉ hoàn thành 8 là không hoàn thành nhiệm vụ được. Nghĩa là, đánh giá ngoài những tiêu chí định lượng còn dựa trên mức độ phức tạp của công việc và nhiều yếu tố khác nữa.
Người đánh giá phải đảm bảo nguyên tắc khách quan, công bằng, chính xác, không nể nang, trù dập, thiên vị, hình thức; bảo đảm đúng thẩm quyền quản lý, đánh giá. Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị được giao quản lý.
Để tránh sự nể nang, chúng tôi quy định việc đánh giá phải được công khai, minh bạch. Luật và nghị định trước đây quy định kết quả đánh giá chỉ được gửi đến người được đánh giá, nhưng nay cấp quản lý ngoài thông báo bằng văn bản cho cán bộ, phải thông báo công khai về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ công tác. Hình thức công khai do lãnh đạo các cơ quan quyết định, trong đó "ưu tiên áp dụng môi trường điện tử" - tức là website của cơ quan để không chỉ đồng nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức đó nắm được, mà người dân có thể theo dõi.
Ở phạm vi rộng hơn, con số đánh giá của ngành nào, bộ nào, hàng năm sẽ được chúng tôi báo cáo Chính phủ, công khai từng bộ ngành. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức của ngành mình. Đây là cách để xã hội tham gia giám sát và góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
Xem thêm: Công chức và viên chức khác nhau như thế nào?