Những người biểu tình tập trung trưa nay tại ít nhất 4 trung tâm thương mại trên khắp Hong Kong, hô các khẩu hiệu và giơ biểu ngữ đánh dấu một năm cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ.
Bên trong trung tâm thương mại Landmark ở Hong Kong, người biểu tình giăng biểu ngữ trên sàn nhà, kêu gọi không quên nguyên nhân khởi phát của các cuộc biểu tình ở thành phố vào năm ngoái. Những người tham gia biểu tình gồm học sinh trung học cho đến nhân viên văn phòng. Khoảng 10 nhân viên bảo vệ tại Landmark giơ các biển báo, nhắc nhở mọi người gây mất trật tự, song không có sự xuất hiện của cảnh sát.
Sam Ho, một kế toán 30 tuổi, tham gia biểu tình trưa nay, nói rằng anh lo ngại về việc Bắc Kinh đang soạn thảo luật an ninh mới đối với Hong Kong. "Tôi cảm thấy mình cần phải ra ngoài và thể hiện chính kiến, vì không biết liệu tôi có còn cơ hội làm điều đó trong tương lai hay không", Ho nói.
Helen Leung, một nhân viên bán hàng 45 tuổi, nói rằng cô cũng có lo lắng tương tự, song cô không cho rằng các cuộc biểu tình năm ngoái ở đặc khu là lý do dẫn tới việc Bắc Kinh muốn áp luật an ninh Hong Kong.
Ngoài trung tâm thương mại Landmark, các cuộc biểu tình cũng diễn ra tại trung tâm APM ở Kwun Tong, Cityplaza ở Tai Koo và trung tâm thương mại Cửu Long ở Kwai Chung.
Một năm trước, những người mặc áo phông trắng đã xuống đường ở Hong Kong để phản đối dự luật "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự".
Dự luật cho phép chính quyền Hong Kong dẫn độ nghi phạm tới các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, trong đó có Trung Quốc đại lục, làm dấy lên lo ngại rằng người Hong Kong sẽ phải chịu một hệ thống pháp lý hoàn toàn khác. Ước tính có một triệu người đã tham gia cuộc tuần hành phản đối dự luật vào ngày 9/6 năm ngoái.
Ba ngày sau, 12/6, những người biểu tình bao vây Hội đồng Lập pháp thành phố trong nỗ lực ngăn chặn các nhà lập pháp thảo luận luận về dự luật. Cảnh sát chống bạo động phải bắn hơi cay và đạn cao su. Tới 16/6, một cuộc tuần hành khác diễn ra với quy mô lớn hơn, khoảng 2 triệu người tham dự.
Chính quyền rút dự luật vào tháng 9, nhưng nhiều người biểu tình muốn giới chức phải thực hiện tất cả các yêu cầu của người biểu tình gồm: mở cuộc điều tra độc lập về hành vi bạo lực của cảnh sát với người biểu tình, miễn tội cho những người bị bắt, rút lại việc coi các cuộc biểu tình là bạo loạn, khởi động quá trình cải cách chính trị đang bị đình trệ của đặc khu. Trước đó họ còn yêu cầu trưởng đặc khu Carrie Lam phải từ chức.
Biểu tình đã "giảm nhiệt" đầu năm nay, khi Covid-19 tấn công. Nhưng những tuần gần đây, khi Bắc Kinh có kế hoạch áp luật an ninh với Hong Kong, biểu tình quay với quy mô nhỏ hơn.
Dự luật an ninh Hong Kong sẽ cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố, can thiệp nước ngoài ở Hong Kong và có thể cho phép các cơ quan an ninh và tình báo của Trung Quốc đại lục thiết lập cơ sở trong đặc khu. Bắc Kinh cho biết luật mới sẽ củng cố mô hình "một quốc gia, hai chế độ" sau năm 2047, khi cam kết về sự độc lập của đặc khu hết hiệu lực.
Mai Lâm (Theo SCMP)