"Trước hết, chính quyền sẽ chính thức rút dự luật để xóa tan mọi lo ngại của người dân. Người đứng đầu cơ quan an ninh sẽ thực hiện quyết định này theo Quy tắc Tố tụng khi Hội đồng Lập pháp làm việc trở lại", bà Lam nói trong bài phát biểu khoảng 10 phút được phát trên toàn bộ các kênh truyền hình ở Hong Kong lúc 17h50 (16h50 giờ Hà Nội).
"Hong Kong còn là một nơi an toàn không? Người dân có những quan điểm khác nhau về việc bị bắt nạt. Những gì xảy ra trong hơn hai tháng qua đã gây sốc cho nhiều người", bà Lam cho hay. "Liên quan việc tiến hành điều tra độc lập, chúng tôi nghĩ rằng không nên lập ủy ban điều tra mà nên để sự việc cho Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập (IPCC)".
Trưởng đặc khu Hong Kong cho biết kể từ tháng này, bà và quan chức đứng đầu các ngành sẽ tiếp cận người dân ở mọi cộng đồng để đối thoại trực tiếp, tìm cách giải quyết sự bất mãn trong xã hội. Bà cũng sẽ mời các lãnh đạo cộng đồng, chuyên gia và học giả độc lập kiểm tra, xem xét các vấn đề xã hội và tư vấn cho chính quyền thành phố tìm ra giải pháp.
Quyết định được đưa ra sau cuộc họp giữa bà Lam và 43 nghị sĩ ủng hộ cùng đại biểu Hong Kong tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tại dinh thự Trưởng đặc khu lúc 16h hôm nay (15h giờ Hà Nội). Bà Lam cho rằng một số người đang thách thức nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ" và chủ quyền quốc gia, song bạo lực không phải giải pháp.
"Về vấn đề xem biểu tình là bạo loạn, chúng tôi đã giải thích rằng trên thực tế không có căn cứ pháp lý nào về việc phân loại hay mô tả các sự cố như vậy. Cơ quan tư pháp đã đảm bảo với công chúng rằng mọi quyết định truy tố đều dựa trên bằng chứng thu thập được và tuân thủ nghiêm ngặt theo luật pháp liên quan và Bộ luật truy tố", bà Lam cho hay, đề cập đến yêu cầu của người biểu tình.
"Về việc hủy cáo buộc và không truy tố những người biểu tình, bạo loạn, tôi đã giải thích rằng điều này trái với quy định của pháp luật và không được chấp nhận. Nó cũng đi ngược lại Luật Cơ bản, trong đó quy định các vụ truy tố hình sự phải được cơ quan tư pháp xử lý mà không có bất kỳ sự can thiệp nào".
Đối với việc thực hiện quyền bầu cử phổ thông ở Hong Kong, bà Lam nói đây cũng là mục đích cuối cùng của Luật Cơ bản, các cuộc thảo luận phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp lý và trong bầu không khí có lợi cho sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau, không làm xã hội phân cực hơn nữa.
Quyết định rút dự luật đồng nghĩa với việc chính quyền đáp ứng một trong 5 yêu sách của người biểu tình, những người đã tuần hành suốt gần ba tháng qua để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi phạm tới các khu vực tài phán mà Hong Kong chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, nhiều người biểu tình tỏ ra không hài lòng, cho rằng nhà chức trách phải thực hiện tất cả các yêu cầu của người biểu tình. Trước đó họ còn yêu cầu bà Lam phải từ chức.
Bà Lam hồi tháng 7 tuyên bố hoãn thảo luận dự luật dẫn độ, song người biểu tình không chấp nhận điều này. Họ cho rằng nếu dự luật còn nằm trong chương trình nghị sự lập pháp, nó sẽ có mọi cơ hội để "hồi sinh" trước khi Hội đồng Lập pháp hiện tại kết thúc nhiệm kỳ vào năm tới.
Hong Kong đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Biểu tình bùng phát từ ngày 9/6 gây ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của thành phố. Việc rút dự luật được xem là nỗ lực của chính quyền đặc khu nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
Trưởng đặc khu Hong Kong bắt đầu thay đổi suy nghĩ về việc rút dự luật sau cuộc gặp 19 lãnh đạo thành phố cách đây hai tuần. Bà đặc biệt chú ý đến quan điểm của họ về cách giảm căng thẳng. Nguồn tin cũng nói rằng việc rút hoàn toàn dự luật là cách đơn giản nhất để giảm căng thẳng.
Tik Chi-yuen, lãnh đạo nhóm Third Side tham dự cuộc họp với bà Lam, nói rằng việc rút dự luật và khởi động cuộc điều tra độc lập là những cách thiết thực để chính phủ thể hiện sự chân thành đối thoại ở các lĩnh vực khác nhau.
Hãng Reuters hôm 2/9 công bố đoạn ghi âm cuộc họp kín tuần trước giữa bà Carrie Lam và nhóm doanh nhân Hong Kong, trong đó bà nói rằng đã gây ra "tàn phá không thể tha thứ" cho Hong Kong và sẽ từ chức nếu có thể. Đáp lại thông tin này, bà Lam khẳng định chưa bao giờ cân nhắc thảo luận việc từ chức với chính quyền trung ương và bà cùng các cố vấn nên ở lại để giúp đỡ Hong Kong.
Thị trường chứng khoán Hong Kong và châu Á tăng sau khi có tin tức về việc Hong Kong rút dự luật dẫn độ.
Huyền Lê (Theo SCMP, Reuters)