Cộng đồng chạy bộ hiện có hai luồng quan điểm trái chiều. Một bên cho rằng chạy bộ, với các bài chạy dài, sẽ giúp giảm béo. Bên còn lại quan niệm phải giảm béo trước, đạt thể trạng gần hoặc lý tưởng, rồi mới bắt đầu chạy bộ và tính đến việc chinh phục các cự ly thách thức như 21km hay 42km.
Từ trải nghiệm của cá nhân - bắt đầu đến với chạy bộ khi đang béo phì và chinh phục hai cữ marathon (42,195km) đầu tiên với hơn một chục kg mỡ trên người, tôi nghĩ mình cũng có cái nhìn khách quan về câu chuyện này.
Tôi bắt đầu chạy bộ từ cuối 2017, sau một thời gian tập gym, chạy treadmill, và bị chán cảm giác ngột ngạt trong phòng tập. Với chiều cao 1,73m và cân nặng xấp xỉ 86 kg lúc đó, tôi được nhiều bạn bè khuyên phải ăn kiêng, giảm về mức cân nặng tương xứng với chiều cao trước, rồi mới bắt đầu chạy bộ. Nhưng bản thân là người nghiện đồ ăn và thích bù khú với bạn bè, việc ăn kiêng với tôi lúc ấy là điều bất khả thi, nên tôi quyết định vẫn chạy, theo cách của mình.
Để cẩn thận, tôi có tham khảo bác sĩ nhân đợt kiểm tra sức khỏe ở công ty và được kết luận "tiền béo phì, nhưng không có vấn đề về tim mạch và nên vận động, tập thể dục nhiều hơn". Sau đó, tôi bắt đầu bằng một vài cữ chạy ngắn ngoài đường - khoảng 500m chạy liên tục ở gần phòng gym. Cảm giác mệt khỏi, đau chân là không tránh khỏi, nhưng bù lại, sự hưng phấn sau mỗi lần hoàn thành các bài chạy đầu tiên này là động lực để tôi tự tìm hiểu thông tin về chạy bộ rồi nâng dần khoảng cách các bài chạy lên một, hai kilomet, rồi 5, 10, 15 km.
Đến tháng 3/2018, dù chưa từng chạy liên tục quá 16 km, tôi mạnh dạn mua bib để chạy giải half marathon và hoàn thành với 2 giờ 27 phút. Tự tin hơn với "lần đầu tiên" này, tôi bắt đầu tập chạy nhiều hơn, nâng dần mileage lên khoảng 50 km mỗi tuần và bắt đầu "giấc mơ 1%" - vào nhóm 1% dân số thế giới có thể chạy marathon. Mất thêm một năm, tôi mới hiện thực hóa được giấc mơ đó với tấm medal marathon đầu tiên cùng thành tích 5 giờ 47 phút. Gần cuối năm 2019, tôi nhận medal marathon thứ hai, với thành tích được cải thiện 12 phút. Và ở cả hai lần chạy marathon đầu tiên đó, cân nặng của tôi đều ở mức xấp xỉ 85 kg.
Nhưng cảm giác nghiện chạy và một chút máu me cải thiện thành tích với suy nghĩ mình vẫn có thể rút ngắn thêm thời gian tạo động lực để tôi bắt đầu tìm hiểu, thực hiện các chế độ ăn kiêng để giảm cân, song song với tìm hiểu các phương pháp tập luyện hiệu quả. Sự kiên trì được đền đáp, thể hiện qua hai lần chạy marathon kế tiếp vào cuối năm 2020: lên 4 giờ 49 phút, 4 giờ 39 phút, khi tôi giảm cân về mốc 79-80kg. Đến giờ, khi không còn chạy marathon nữa, tôi vẫn giữ thói quen tập với mileage khoảng 60 km mỗi tuần, đồng thời giảm cân xuống 72kg.
Từ trải nghiệm của bản thân, tôi tự thấy người béo, thừa cân vẫn có thể chạy dài, nhưng cần xem xét một số yếu tố. Thứ nhất, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào, để đảm bảo chạy bộ phù hợp với bạn. Thứ hai, bạn nên bắt đầu từ từ, với các quãng chạy ngắn rồi tăng dần, vì việc này giúp giảm rủi ro chấn thương, giúp cơ thể thích nghi dần với cường độ tập luyện. Thứ ba, bạn nên tham khảo và thực hiện các chế độ dinh dưỡng phù hợp, để đảm bảo bạn tiêu thụ đủ năng lượng cần thiết cho các hoạt động vận động và cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể. Tiếp đến, bạn nên xem chạy bộ là một phần trong kế hoạch giảm cân, kết hợp với các hoạt động tập luyện khác như cardio, đạp xe, yoga hoặc tập core. Cuối cùng, hãy luôn lắng nghe cơ thể. Nếu bạn cảm thấy đau hoặc không thoải mái khi chạy bộ, hãy dừng lại và nghỉ ngơi, dừng ép buộc bản thân vận động quá sức.
Độc giả Phương Minh