Ấn Độ hiện ghi nhận gần 21,5 triệu ca nhiễm và hơn 230.000 ca tử vong do nCoV, là vùng dịch lớn thứ hai thế giới. Làn sóng nCoV thứ hai khiến hệ thống y tế Ấn Độ quá tải. Các bệnh viện hết giường bệnh, thiếu hụt oxy và thuốc men. Các lò hỏa táng hoạt động vượt công suất, buộc nhà chức trách phải thiêu xác bệnh nhân Covid-19 trong công viên, bãi đỗ xe, thậm chí cả vỉa hè.
Covid-19 gieo rắc nỗi sợ hãi và căng thẳng lên cả những người khỏe mạnh. Họ sợ virus sẽ gõ cửa hoặc cướp đi những người thân quen. Sonali Gupta, nhà tâm lý học ở Mumbai, cho biết tất cả các bệnh nhân tìm đến với bà từ đầu tháng 4 đều có chung nỗi lo về đại dịch.
"Sợ hãi, hoang mang, hoảng loạn, căng thẳng, thậm chí trở nên vô cảm, là năm trạng thái chủ yếu ở các bệnh nhân của tôi", bà nói.
Phần lớn tâm lý tiêu cực này bắt nguồn từ tình hình dịch bệnh. Người dân cảm thấy lo sợ dù đã tiêm vaccine. Cảnh bệnh nhân Covid-19 vật lộn để chạy chữa buộc họ phải suy ngẫm về sức khỏe của bản thân.
Shruti Kher, 33 tuổi, chủ sở hữu một công ty marketing ở Nashik, bộc bạch: "Nỗi sợ hãi bao trùm lấy tôi mỗi khi chuông điện thoại reo lên. Tim tôi chùng xuống khi nghe điện. Câu nói đầu tiên của tôi lúc nào cũng là mọi người có ổn không".
Kher nói rằng tất cả mọi người trong gia đình đều hoang mang tột độ. Kể từ cuối tháng 3, họ hiếm khi bước ra ngoài và từ chối gặp bạn bè cũng như người thân. Thậm chí cứ cách hai tuần, họ lại làm xét nghiệm Covid-19. Vậy mà sự sợ hãi vẫn đeo bám tâm trí gia đình Kher.
Dù không một ai trong nhà bị nhiễm virus, Kher đã phải chứng kiến cái chết của vài người họ hàng xa và bạn bè vào năm 2020. Sự hoành hành của dịch bệnh lại càng khiến gia đình cô thêm lo lắng. "Chúng tôi đều bị rối loạn giấc ngủ. Tôi và mẹ thường thức giấc vào nửa đêm và không thể ngủ lại được", cô nói.
Trong làn sóng Covid-19 đầu tiên, Ấn Độ phải phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Số ca nhiễm tăng dần, lên tới đỉnh là 97.860 trường hợp vào tháng 9/2020. Nhưng trong làn sóng thứ hai, số ca nhiễm từ đầu tháng 4 đến nay tăng 12 triệu lên 18 triệu. Dịch không chỉ tập trung ở thành phố lớn mà còn lan sang các vùng nông thôn.
Tại các khu đô thị, người lao động chen chúc ở các sân ga, vội vã trở về quê. Ở một số bang như Uttar Pradesh, làn sóng tháo chạy càng khiến số người nhiễm virus tăng lên đáng kể. Bang này hôm 7/5 ghi nhận hơn 35.000 ca nhiễm mới. Các điểm hỏa thiêu phải hoạt động hết công suất và thời gian chờ để hỏa táng cũng bị kéo dài, khiến dân làng sống trong sợ hãi.
Ngày 7/5, một người đàn ông ở Uttar Pradesh buộc phải chở thi thể vợ sau chiếc xe đạp, đi tìm nơi hỏa táng do người dân địa phương không cho hỏa thiêu xác bệnh nhân Covid-19. Ở những nơi khác, nhiều bệnh viện treo biển "hết bình oxy" và từ chối tiếp nhận người bệnh. Trong khi đó, cảnh tượng người nhà bệnh nhân tuyệt vọng cầu xin trợ giúp được lan truyền khắp mạng xã hội. Những câu chuyện đau lòng này, cùng với sự bấp bênh, xen lẫn nỗi lo âu về người thân yêu, nổi lên trên khắp đất nước.
Tại thủ đô New Delhi, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, luật sư và nhà nghiên cứu Arundhati R, 32 tuổi, đang chật vật dưới bóng ma Covid-19. Arundhati ở nhà một mình ba tuần nay, sau khi chồng cô bị nhiễm nCoV trong một chuyến công tác đến Bangalore. Nữ luật sư cho biết cách đối phó với thảm kịch là quên nó đi.
"Tôi không xem tin tức và mạng xã hội. Tôi chỉ xem phim dài tập", cô nói.
Arundhati rất lo lắng cho sự an toàn của bản thân và các ca bệnh tăng lên gần đây khiến cô quan ngại về tương lai. "Tôi không biết dịch bệnh này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tinh thần của chúng ta", cô chia sẻ, đồng thời nói thêm cô không muốn ra ngoài giao lưu hay ăn hàng, kể cả khi dịch lắng xuống.
Ngồi trong nhà, Arundhati lần đầu nghe thấy còi xe cứu thương vang lên liên tục. Âm thanh đó khiến cô thấy bất lực: "Tình huống làm tôi thấy ích kỷ vì tôi chỉ thích ở nhà, đoạn tuyệt với xã hội".
Theo chuyên gia tâm lý Gupta, bệnh nhân bị sang chấn tâm lý trong giai đoạn này còn có triệu chứng đau bụng, nhức đầu hoặc đau lưng.
"Vết thương tâm lý khó có thể biến mất sớm. Mọi người sẽ mất nhiều thời gian để vượt qua ", chuyên gia nói.
Mai Dung (Theo SCMP)