Các nhà hoạt động địa phương cho biết nhóm người Afghanistan này đang lâm vào tình cảnh thiếu lương thực, một số bị ốm nặng, song bị an ninh Ba Lan ngăn tiến vào lãnh thổ, trong khi lực lượng biên phòng Belarus không cho họ quay lại.
Nhóm người Afghanistan mắc kẹt tại khu rừng biên giới trong bối cảnh căng thẳng giữa Belarus và phương Tây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ phe đối lập ở Belarus.
Hơn 4.000 người, chủ yếu từ Iraq và Afghanistan, vượt biên từ Belarus sang Litva, gấp 50 lần so với năm 2020. Ba Lan ghi nhận hơn 3.000 người vượt biên trái phép từ Belarus kể từ đầu tháng 8.
Chính phủ Ba Lan và Litva cho biết họ không thể tiếp nhận dòng người tị nạn này, đồng thời gấp rút triển khai nhân viên an ninh và dựng hàng rào mới tại biên giới. Chính phủ Ba Lan ngày 31/8 cho biết đang cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp tại khu vực biên giới.
Sau khi bị phía Ba Lan ngăn chặn, nhóm người quay trở lại biên giới Belarus, nhưng bị các nhân viên an ninh Belarus mặc trang phục chống bạo động đẩy trở lại.
Fundacja Ocalenie, một tổ chức từ thiện của Ba Lan, cùng một nghị sĩ phe đối lập nước này hồi tuần trước chuyển cho 32 người Afghanistan lều, thực phẩm và quần áo. Tuy nhiên, biên phòng Ba Lan sau đó ngăn họ tiếp cận nhóm này.
Marianna Warteska, phát ngôn viên của Fundacja Ocalenie, cho biết nhóm người Afghanistan nói trên đang ở trong điều kiện tồi tệ. "Họ không nhận được bất cứ hình thức hỗ trợ y tế nào, sức khỏe của họ đang xấu đi", Warteska nói.
Warteska cho biết 32 người Afghanistan phải lấy nước từ một con suối gần đó và sống bằng bánh mỳ do lính biên phòng Belarus chuyển tới mỗi ngày một lần. Các tình nguyện viên Ba Lan cố gắng liên lạc với nhóm người Afghanistan bằng loa, song biên phòng Ba Lan bật còi hú và cho động cơ xe gầm rú để át tiếng của họ.
8 người Afghanistan trong số này mắc vấn đề về thận và 5 người khác bị tiêu chảy. Warteska cho biết một người đàn ông 26 tuổi bất tỉnh trong 20 phút hôm 26/8, song biên phòng Ba Lan và Belarus từ chối gọi xe cấp cứu. Một phụ nữ khoảng 50 tuổi khác không thể rời khỏi lều của mình trong vài ngày.
Phát ngôn viên biên phòng Ba Lan ngày 31/8 từ chối bình luận về nhóm người Afghanistan bị mắc kẹt ở biên giới.
Warteska cho biết toàn bộ 32 người Afghanistan bày tỏ mong muốn được cộng đồng quốc tế bảo vệ ở Ba Lan và có đại diện hợp pháp ở tổ chức Fundacja Ocalenie. Phát ngôn viên của tổ chức cho biết giới chức Ba Lan không có lý do nào để không đưa nhóm này vào quy trình xét duyệt tiêu chuẩn nhằm đánh giá họ có được phép tị nạn hay phải quay về Afghanistan.
"Để họ rơi vào tình trạng mắc kẹt là vấn đề mang tính chính trị, điều này thực sự tàn nhẫn và về cơ bản chẳng vì mục đích gì cả", Warteska nói. "Đó là 32 người chứ không phải ba triệu người, họ có thể xử lý. Chúng tôi không yêu cầu họ được đi qua một cách tự do, chúng tôi muốn chính quyền và biên phòng Ba Lan hành xử đúng pháp luật".
Chính phủ Ba Lan ngày 31/8 cho biết họ đang chờ Tổng thống Andrzej Duda chấp thuận đề xuất áp tình trạng khẩn cấp trên một đoạn biên giới trong 30 ngày để đối phó với người di cư. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cáo buộc Belarus gây ra cuộc khủng hoảng bằng cách nhận người di cư từ Trung Đông đến nước này, sau đó đẩy họ qua Ba Lan, Litva và Latvia để gây bất ổn.
Đề xuất áp tình trạng khẩn cấp ở biên giới Ba Lan sẽ ảnh hưởng tới 183 thị trấn biên giới. Phe đối lập và các nhóm nhân quyền Ba Lan chỉ trích đề xuất này, cho rằng tình trạng khẩn cấp không cản được dòng người di cư mà thay vào đó nhằm ngăn các nhà hoạt động và truyền thông tới khu vực biên giới.
Litva đã ban bố tình trạng khẩn cấp về tình hình biên giới và đề xuất EU áp các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Belarus. Tòa án Nhân quyền châu Âu hồi tuần trước cho biết chính phủ Ba Lan phải cung cấp thực phẩm, quần áo, chăm sóc y tế và có thể nơi ở tạm thời cho nhóm người Afghanistan, song chưa ra phán quyết rằng Ba Lan phải để những người này vào lãnh thổ của mình hay không.
Nguyễn Tiến (Theo ABC News)