Hai quan chức Mỹ ngày 31/8 cho biết trong chiến dịch di tản khỏi Afghanistan vừa qua, các công dân nước này được thông báo về các điểm tập trung gần sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul, sau đó các tay súng Taliban kiểm tra thông tin cá nhân và hộ tống họ một đoạn ngắn tới cánh cổng nơi binh sĩ Mỹ túc trực.
Trong suốt tiến trình, các quan chức Mỹ nhấn mạnh Taliban đang hợp tác và cam kết mở lối đi an toàn cho công dân nước này. Một quan chức cho biết nhiệm vụ hộ tống do Taliban đảm nhận diễn ra vài lần mỗi ngày.
Một trong các điểm tập trung quan trọng là một tòa nhà của Bộ Nội vụ Afghanistan bên ngoài sân bay Kabul, nơi các lực lượng Mỹ có thể dễ dàng quan sát các công dân nước này đang đi tới nơi. "Thỏa thuận rất hiệu quả", một quan chức Mỹ cho biết.
Không rõ Taliban có quay lưng lại với bất cứ công dân Mỹ nào trong lúc kiểm tra thông tin hay không. Các nguồn tin cho biết một số công dân Mỹ bị Taliban từ chối cho vào sân bay dù có hộ chiếu và thẻ xanh, thậm chí bị đánh đập.
Các binh sĩ Mỹ thuộc Bộ Chỉ huy Tác chiến Đặc biệt và các đơn vị đặc nhiệm khác cũng có mặt tại Kabul để hỗ trợ công dân nước này tìm đường tới sân bay. Họ mở một cánh cổng bí mật, thiết lập "trung tâm hỗ trợ qua điện thoại" để hướng dẫn công dân Mỹ đi tới địa điểm này.
Cổng bí mật cho phép quân đội Mỹ bảo vệ công dân nước này bằng cách tránh để họ đi qua những lối vào thông thường, nơi hàng nghìn người Afghanistan tập trung và ẩn chứa nguy cơ bị tấn công.
Trong cuộc họp báo ngày 30/8, đại tướng Frank McKenzie, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm của Mỹ, cho biết đặc nhiệm Mỹ đã đưa 1.064 công dân nước này, 2.017 người Afghanistan gặp rủi ro và 127 công dân nước khác vào sân bay Kabul. Tướng McKenzie không tiết lộ đơn vị đặc nhiệm nào tham gia hoạt động nói trên.
Các quan chức Mỹ cho biết thỏa thuận ngầm với Taliban mang tính nhạy cảm nên không được tiết lộ trong suốt hai tuần triển khai chiến dịch di tản. Mỹ lo ngại về phản ứng của Taliban khi công khai thỏa thuận này, cũng như nguy cơ nhóm Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K) tấn công nếu phát hiện các nhóm công dân Mỹ được hộ tống.
IS-K, nhánh Afghanistan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và kẻ thù không đội trời chung của Taliban, nhận trách nhiệm trong vụ đánh bom tự sát ở cổng Abbey của sân bay Kabul hôm 26/8, khiến 13 binh sĩ Mỹ và hơn 170 người Afghanistan thiệt mạng, trong đó có nhiều tay súng Taliban.
Mỹ nhiều năm qua tiếp xúc quân sự và ngoại giao với Taliban trong các cuộc đàm phán chính trị cùng nỗ lực chấm dứt xung đột, song thỏa thuận ngầm giữa quân đội Mỹ và Taliban được nhận định là hành động phối hợp chiến thuật chưa từng có.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns hồi tuần trước có chuyến đi bất thường tới thủ đô Kabul và gặp phó thủ lĩnh Taliban Abdul Ghani Baradar. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm cách đảm bảo chiến dịch di tản đường không diễn ra suôn sẻ, song chưa rõ liên quan đến thỏa thuận ngầm giữa quân đội Mỹ và Taliban hay không.
Tính đến thời điểm Mỹ rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan ngày 30/8, tổng cộng hơn 122.000 người được di tản bằng hàng không từ sân bay Kabul, gồm hơn 6.000 dân thường Mỹ.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)