Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam Thuỵ Điển Uông Bí, ngày 22/6 chẩn đoán bệnh nhân sốc phản vệ độ 4, ngừng tuần hoàn do ong đốt. Kíp cấp cứu ngay lập tức đặt nội khí quản cho người bệnh và xử trí theo phác đồ phản vệ.
Người nhà cho biết ông đang cắt tỉa cây cảnh tại vườn nhà, vô tình chạm phải tổ ong vàng và bị đốt nhưng không rõ số lượng ong đốt bao nhiêu. Sau đó ông tím tái, khó thở, người nhà đưa đến viện cấp cứu.
Sau khoảng 20 phút nỗ lực cấp cứu, người bệnh đã có nhịp tự thở, chuyển khoa Hồi sức tích cực nội để điều trị.
Bác sĩ khuyến cáo người dân bị ong đốt nhiều hoặc chỉ một vài con; bị đốt ở các vị trí như đầu, mặt, cổ; bị dị ứng với nọc ong, sốc hoặc nhiễm độc... có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài phòng ngừa, chúng ta cần biết cách xử trí đúng cách khi bị ong đốt để xử lý kịp thời những dấu hiệu nguy hiểm.
Đầu tiên, cần đưa người bị nạn ra khỏi khu vực có ong, lấy vòi chích của ong ra bằng cách khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da. Tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra. Sau đó, bạn nên rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm; bôi dung dịch sát trùng như Povidine 10% hoặc cồn 70 độ lên vết đốt mỗi ngày 2 lần.
Khi bị ong đốt, nên uống nhiều nước để loại thải độc tố; chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng. Sau khi xử trí, gia đình cần theo dõi sát và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra lại.
Trường hợp bị phản vệ mức độ nặng như bất tỉnh, thở chậm hoặc ngừng thở, ngừng tim, gia đình cần gọi cấp cứu để hô hấp tuần hoàn tại chỗ và đưa đến bệnh viện để điều trị.
Thùy An