Bà mua thuốc hôm 18/5, thuốc được người bán chia sẵn thành từng liều bọc trong gói nilon. Bà không rõ là loại thuốc gì. Sau khi uống một liều, bà bị đau bụng, buồn nôn, tức ngực, khó thở, ngứa mặt, vùng bụng, đỏ da toàn thân. Các triệu chứng nặng dần, người nhà đưa bà đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang cấp cứu.
Bác sĩ điều trị cho biết người bệnh đến viện tình trạng kích thích, khó thở, tức ngực, đau bụng, buồn nôn, vùng môi, đỏ da toàn thân, huyết áp tụt. Bà được chẩn đoán sốc phản vệ, phải cấp cứu tích cực.
Sau 10 phút, người bệnh qua cơn nguy kịch, các chỉ số cơ thể dần ổn định. Ngày 20/5, bà tiếp tục được theo dõi, điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc.
Bác sĩ cho biết sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng. Tình trạng này có thể khiến người bệnh co thắt đường thở, suy tuần hoàn, đe dọa tử vong nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời.
Việc người bệnh gặp phản ứng phản vệ nghiêm trọng sau khi uống thuốc tự mua không hiếm gặp. Hôm 12/5, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương ở xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, cấp cứu cho một bé trai 10 tuổi bị sốc phản vệ nặng vì uống thuốc người nhà tự mua ở ngoài. Các loại thuốc bé đã uống gồm: Cefadroxil 500mg, Alphachoay, Medrol 4mg, Hapacol 250mg. Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ ngày 3/5 cấp cứu cho một bé trai 10 tuổi sốc phản vệ sau khi uống thuốc Augmentin 500mg, là một loại thuốc kháng sinh.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh thận trọng khi sử dụng thuốc. Người có bệnh, người có tiền sử dị ứng thuốc và các dị nguyên cần khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Mọi người không tự ý mua thuốc, tự điều trị bởi sốc phản vệ có thể xảy ra và gây hậu quả nghiêm trọng. Sau khi uống thuốc, nếu cơ thể xuất hiện những phản ứng bất thường như nổi ban đỏ, ngứa, khó thở, tức ngực, mọi người cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Chi Lê