Bác sĩ Nguyễn Văn Thắng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết bệnh nhi sau sinh thở nhanh, rên, khó thở nên được chuyển lên Khoa Nhi cấp cứu. Bé bị suy hô hấp sơ sinh, viêm phổi bào thai, sinh non 36 tuần, chỉ định nằm lồng ấp, thở máy.
Sau một ngày, trẻ xuất hiện sốc nhiễm khuẩn, sốt cao, nổi vân tím, mạch nhanh, phải sử dụng thuốc vận mạch, kháng sinh phối hợp. Tình trạng trẻ ổn định sau xử trí.
Tuy nhiên, 36 giờ giờ tiếp theo, trẻ xuất hiện tình trạng phản vệ độ III với các biểu hiện nổi ban đỏ trên da tại vị trí truyền dịch nuôi dưỡng, mạch tăng, huyết áp tụt. Nghi ngờ trẻ phản vệ với amino acid trong dịch nuôi dưỡng, các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí phản vệ theo phác đồ, ngừng truyền dinh dưỡng, thay dịch truyền thành phần chỉ có đường và muối, giảm tối đa các loại thuốc truyền vào cơ thể trẻ, tiếp tục duy trì thuốc kháng sinh và vận mạch.
24h sau, sức khỏe bé ổn định và cai thở máy, bú mẹ tốt.
Sốc phản vệ là một kiểu phản ứng quá mẫn của hệ thống miễn dịch khi có sự xâm nhập của một chất gây dị ứng vào cơ thể. Tình trạng này có thể gặp ở tất cả lứa tuổi kể cả trẻ sơ sinh. Khi đó, cơ thể sẽ kích thích sản xuất một số chất như Histamine, leukotriene và các hoạt chất trung gian khác với số lượng lớn chỉ trong vài phút khiến người bệnh bị sốc. Các biểu hiện của phản vệ nổi mẩn đỏ trên da, khó thở, nôn, đau bụng gây hạ huyết áp, trụy tim mạch, suy hô hấp... thậm chí tử vong nếu không kịp thời cấp cứu.
Bác sĩ khuyến cáo, tình trạng này có thể xuất hiện ở sơ sinh đến trẻ dưới 6 tháng tuổi nhưng không phổ biến. Nguyên nhân có thể do trẻ chưa tiếp xúc với nhiều chất gây dị ứng hoặc cần nhiều hơn một lần tiếp xúc với chất gây dị ứng để phản ứng xảy ra và phải mất một thời gian dài để một số bệnh dị ứng phát triển.
"Vì vậy, trường hợp trẻ sơ sinh bị sốc phản vệ bởi dịch nuôi dưỡng rất hiếm gặp", bác sĩ nhấn mạnh. Nếu chẩn đoán và xử trí không kịp thời sẽ khiến trẻ tử vong.
Trường hợp bệnh nhi sinh non kết hợp bệnh lý nặng nề như viêm phổi, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng... cần theo sát khi tiếp nhận điều trị, kịp thời hội chẩn để đưa ra hướng xử trí hiệu quả.
Thùy An