Đầu tháng 9, ruốc xuất hiện dày đặc ở khu vực cách bờ biển xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà khoảng 500 m. Dọc bờ biển dài hơn 4 km, hàng chục ngư dân dùng thuyền nan hoặc thuyền máy công suất 18-50 CV đánh bắt ruốc cả ngày lẫn đêm.
Anh Phan Văn Long, 40 tuổi, trú xã Thạch Hải cho biết, đầu tháng 9 biển lặng, trời nắng đẹp nên ruốc từ ngoài khơi vào nhiều, sang tháng 10 khi mùa mưa bão về thì ruốc sẽ ít dần. Loài này sống cách bờ khoảng 5 hải lý, ở độ sâu 15-50 m.
Đầu giờ sáng, anh Long lái thuyền máy công suất 30 CV chạy dọc bờ biển để "săn ruốc". Trước mũi thuyền gắn hai cây gỗ dài 4 m, buộc lưới nhỏ tạo thành một chiếc vợt tam giác rộng khoảng 5 m để xúc ruốc. Thấy luồng ruốc bơi phía dưới đáy biển, anh Long sẽ hạ vợt xuống để xúc, đưa lên khoang thuyền.
"Khi gặp luồng, hai người mất khoảng 15 phút để bắt. Mỗi luồng nếu xúc hết sẽ được hơn 100 kg, tuy nhiên thông thường không thể bắt hết mà một lần được khoảng 50 kg. Hai ngày qua, mỗi lần ra khơi hơn 4 tiếng, một thuyền hai lao động bắt được 100-200 kg ruốc", anh Long nói.
Một số người khác dùng thuyền máy cỡ lớn 50 CV, huy động khoảng 5 lao động, soi đèn đánh bắt cả buổi tối. Theo ông Trần Văn Sáng, 52 tuổi, buổi tối ruốc xuất hiện nhiều hơn, chỉ cần soi đèn pin từ xa thấy ruốc bơi lấp lánh là hạ vợt xuống; nếu may mắn, nhóm của ông bắt được 5 tạ trong một đêm.
Khi thấy khoang đầy ruốc, ngư dân lái thuyền vào bờ biển xã Thạch Hải để người nhà phân loại, rửa sạch. Thương lái đến thu mua ruốc với giá 15.000-20.000 đồng một kg. "Những năm trước lái buôn vây quanh thuyền để mua từng mẻ, năm nay dịch Covid-19 nên họ ít đi gom hàng hơn", ông Sáng cho hay.
Mỗi lần ra khơi, trung bình một thuyền lãi khoảng 2 triệu đồng sau khi trừ hết các chi phí nhiên liệu, nhân công. Nếu thời tiết thuận lợi để đánh bắt liên tục cả ngày đêm trong một tháng, nhiều thuyền thu lời khoảng 50 triệu đồng.
Ruốc có thể bắt bất kỳ quãng thời gian nào trong ngày. Bên cạnh dùng thuyền, nhiều ngư dân còn dùng lưới mắt nhỏ hoặc đi cà kheo để vợt.
Ngoài nhập cho thương lái, nhiều ngư dân đổ ruốc vào thùng xốp, lái xe máy chở về nhà, trải những tấm lưới xanh cao 4 m, rộng 6 m đặt giữa sân xi măng hoặc bên đường, đem phơi làm khô ruốc hoặc ướp nước mắm và làm mắm tôm.
Nếu gặp nắng to, ruốc chỉ cần phơi khoảng hai ngày là đạt yêu cầu. Gần 20 kg ruốc tươi thu về khoảng 5-7 kg ruốc khô, giá 35.000 đến 40.000 đồng một kg.
"Để làm nước mắm hoặc làm mắm tôm phải trải qua rất nhiều công đoạn từ tuyển chọn ruốc cho đến ướp, phơi nắng. Một mẻ mắm tôm từ lúc muối đến khi chín mất khoảng 4 tháng", bà Phan Thị Vân, 51 tuổi, trú TP Hà Tĩnh, nói.
Ruốc còn được gọi là tép moi, tép biển hay moi, hình dạng như tôm nhỏ, dài khoảng 10 đến 40 mm, là động vật giáp xác mười chân sống ở vùng nước lợ hay nước mặn ven biển. Ruốc tươi được mua về chế biến các món như nấu canh, xào khế; khô ruốc thường đem rim, rang mỡ hành hoặc kho thịt...