Những ngày này bà Cao Thị Hoa (42 tuổi, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) thường ra biển từ 5h để cào ốc ruốc. Đồ nghề bà mang theo là chiếc cào được làm bằng khúc tre dài 2 m, phía dưới gắn lưỡi cào bằng sắt và một tấm lưới nhỏ.
Gắn chiếc cào vào người, bà Hoa miệt mài đi tới đi lui ở khu vực nước ngập ngang đầu gối. Cứ cào được một mẻ ốc bà lại cho vào tấm lưới mang theo bên người. Sau khoảng 3 giờ lao động trên bãi biển, bà Hoa cào được 3 thùng ốc, mỗi thùng nặng 25 kg.
Thương lái chờ sẵn trên bờ thu mua số ốc đó với giá khoảng 200.000 đồng mỗi thùng. "Từ ra Tết đến nay chúng tôi được mùa ốc ruốc, phụ nữ đi cào gần bờ mỗi ngày được vài trăm nghìn đồng, đàn ông cào xa hơn thì có thể kiếm được tiền triệu", bà Hoa nói.
Theo người dân địa phương, mùa ốc ruốc chỉ kéo dài từ tháng 12 âm lịch đến tháng 2 năm sau. Dịp này ốc theo sóng dạt vào bờ nên dễ đánh bắt. "Năm nay được mùa ốc ruốc, người dân trong làng đều tranh thủ ra biển kiếm thêm", anh Nguyễn Văn Thìn (32 tuổi, xã Tam Tiến) nói.
Anh Thìn mang theo đồ nghề ra làm ở khu vực nước sâu hơn so với bà Hoa, nên cào được nhiều hơn. Từ 5h đến 8h anh cào được 5 thùng ốc, thu về một triệu đồng. Nghỉ tay, chờ vợ mang đồ ăn sáng ra rồi anh Thìn lại kéo cào xuống biển.
"Nghề này cực lắm, thủy triều thường xuống vào rạng sáng nên phải ra biển từ sáng sớm. Mỗi ngày chỉ làm được khoảng 2 đến 4 tiếng là kết thúc. Tuy dễ kiếm tiền nhưng phải ngâm mình dưới nước liên tục", anh Thìn cho hay.
Anh Thìn nói thêm, mặc dù đánh bắt gần bờ nhưng nghề cào ốc cũng có những rủi ro nếu không may gặp vùng nước xoáy, có thể bị cuốn ra xa. "Chúng tôi thường đi thành từng nhóm để nếu có chuyện gì thì giúp đỡ nhau kịp thời", anh nói.
Ông Trần Văn Thuận, thương lái ở bãi biển xã Tam Tiến cho hay, mỗi ngày ông thu mua được khoảng 20 thùng ốc, đem bán lại cho các quán nhậu hoặc bán lẻ ở chợ.
Con ốc ruốc có kích thước nhỏ như khuy áo với màu sắc sặc sỡ, vị thơm đặc trưng, là món ăn dân dã được ưa chuộng ở Quảng Nam.