Theo quan niệm truyền thống của người Á Đông, bưởi đem lại sự thịnh vượng cho gia chủ. Đây là loại trái cây giải khát nhiều vitamin, có lợi cho sức khỏe trong những ngày Tết.
Việc cùng nhau gọt hoa quả giúp gia đình Wu xích lại gần nhau hơn. Cô cho biết: "Hương vị của quả bưởi lúc này ngọt ngào đến kinh ngạc".
Phong tục của nhiều gia đình châu Á như bà Wu là ăn trái cây hoặc dùng làm quà biếu Tết. Truyền thống của mỗi quốc gia khác nhau, nhưng nhìn chung là cây trái đem lại may mắn, thịnh vượng và có thể giải khát ngày Tết.
Quả bưởi vị chua, tính mát, có thể trị đau bụng, giải rượu, ăn không tiêu, thích hợp cho ngày đầu xuân. Bưởi chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, kali, canxi, natri, còn có thể phòng ngừa cảm cúm, thúc đẩy tiêu hóa.
Bưởi cũng nhiều vitamin C, loại chất chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch cho cơ thể, ngăn ngừa tổn thương tế bào do các loại hợp chất có hại. Bưởi chứa ít calo, chứa một loại enzyme là carnitine palmitoyltransferase, giúp cơ thể loại bỏ chất béo, giảm cân hiệu quả.
Loại quả may mắn khác trong dịp Tết là táo. Trong tiếng Trung Quốc, từ "táo" có nghĩa là "yên bình". Jessica Levinson, chuyên gia dinh dưỡng ẩm thực ở Westchester, cho biết: "Táo có tác dụng cải thiện sức khỏe đường ruột, giảm nguy cơ đột quỵ, huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch, béo phì và một số bệnh ung thư".
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, một quả táo cỡ trung bình là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào. Nó chứa 4,4 g chất xơ, chiếm 16% giá trị hàng ngày. Táo cung cấp 8,4 mg vitamin C và lượng nhỏ vitamin, khoáng chất khác.
Táo giúp tăng cường hệ miễn dịch, đặc biệt phù hợp trong giai đoạn Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan. Nghiên cứu công bố vào tháng 11/2017 trên tạp chí Nutrients cho thấy vitamin C trong táo giúp cải thiện hàng rào biểu mô chống lại các mầm bệnh, chống stress oxy hóa môi trường, chẳng hạn như ô nhiễm bức xạ.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị người bệnh tiểu đường nên thêm táo vào thực đơn ngày Tết. Chất xơ hòa tan trong táo có thể giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu, cải thiện lượng đường trong máu.
Những hoa quả có màu vàng như quất, cam thường được quan niệm sẽ đem lại sự giàu sang, phú quý. Theo Đông y, trái quất vị chua ngọt, tính ấm, có tác dụng chữa ho do phong hàn, các bệnh đường tiêu hóa (đầy tức vùng thượng vị, đau dạ dày, nôn mửa, chán ăn), đau bụng hoặc sa dạ con sau sinh...
Các bộ phận khác của cây quất như lá, rễ, hạt cũng được dùng làm thuốc. Lá quất vị cay đắng, tính lạnh, có tác dụng điều hòa, cải thiện chức năng gan, khai vị khí (kích thích tiêu hóa), chống nôn, nấc, tiêu hạch...
Mỗi quả quất chứa khoảng 13 calo, giàu vitamin C và vitamin A. Vỏ quất có nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa có thể bảo vệ tế bào. Quất không chứa cholesterol, ít chất béo và natri.
Vitamin C trong quất quan trọng đối với mạch máu, tốt cho sụn, cơ bắp, bổ sung collagen cho xương. Vitamin A cải thiện sức khỏe mắt, khả năng miễn dịch và sinh sản. Đây cũng là chất chống oxy hóa, ngăn ngừa bệnh tim, ung thư và nhiều loại bệnh khác.
Tại nhà của anh Việt Dương, 36 tuổi, ở Houston, sau bữa tiệc mừng năm mới với nhiều món truyền thống, mọi người ăn trái cây. Bên cạnh cam, táo, anh thường có thanh long và khế trong tủ lạnh. Anh Dương luôn cắt sẵn trái cây để phục vụ sau bữa chính. "Không có bánh hay kem, mà luôn là hoa quả", anh chia sẻ.
Theo Linda Trinh Vo, giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Á tại Đại học California, Irvine, trái cây là "ngôn ngữ tình yêu trong dịp Tết Nguyên đán". Người dân cũng tặng trái cây theo nhiều cách khác nhau. Một số gia đình tự trồng quýt, quất để biếu. Số khác tặng lại rễ hoặc hạt từ cây ăn quả trong nhà. Nhiều người mua hoa quả trong siêu thị.
"Ở nền văn hóa Á Mỹ, thật khó để nói câu 'Tôi yêu bạn'. Họ thể hiện điều đó thông qua những loại quà này", bà nói.
Randy Su, 22 tuổi, đang học ngành thạc sĩ ở Toronto, cho biết được đóng gói cẩn thận trong những hộp quà hay bày biện trên đĩa, trái cây vẫn là cử chỉ yêu thương thầm lặng của người châu Á. Vào dịp Tết, bố mẹ anh cắt sẵn hoa quả và "bày như mâm tiệc".
"Nó thể hiện lòng hiếu khách, cũng là một cách để bày tỏ sự quan tâm, yêu thương tới những người xung quanh", anh nói.
Thục Linh (Theo NY Times, WebMD, Healthline)