Sau hơn 11 ngày chìm trong lửa đạn, chiến sự giữa Israel và các nhóm vũ trang tại dải Gaza do Hamas dẫn đầu đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 dân thường, trong đó có hàng chục trẻ em, theo thống kê của giới chức y tế Palestine. Phía Israel cũng gánh chịu thương vong sau khi hàng nghìn quả rocket từ Dải Gaza, với ít nhất 12 dân thường thiệt mạng trong đó có 2 trẻ em. Bạo loạn và xô xát bùng phát tại nhiều khu vực có người Do Thái và người Arab cùng chung sống, khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đe dọa cho quân đội chấm dứt tình trạng "vô chính phủ".
Xung đột bùng phát sau nhiều tuần căng thẳng leo thang ở Jerusalem vì mâu thuẫn giữa cộng đồng Palestine Hồi giáo và người định cư Do Thái cực hữu, với chất xúc tác là các lệnh hạn chế tập trung vào ban đêm sau tháng chay Ramadan.
Các tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc Do Thái "thêm dầu vào lửa" với kế hoạch tuần hành vào Ngày Jerusalem di chuyển qua các khu tập trung đông người Palestine. Đỉnh điểm căng thẳng nổ ra vào sáng 10/5. Cảnh sát Israel ập vào trấn áp tín đồ trong thánh đường Al-Aqsa, địa điểm linh thiêng thứ ba của Hồi giáo, khiến hàng trăm người bị thương. Đụng độ giữa người Do Thái cực hữu, cảnh sát Israel và người biểu tình Palestine tiếp diễn xuyên suốt ngày 10/5
Giữa tình hình căng thẳng, tổ chức vũ trang Hamas đe dọa nã rocket vào Jerusalem nếu người định cư Do Thái không rút khỏi thánh đường Al-Aqsa và rời khu Sheikh Jarrah của người Palestine ở Đông Jerusalem. Các nhóm vũ trang Gaza đêm đó khai hỏa đúng như cảnh báo. Lực lượng Phòng vệ Isreal (IDF) không kích trả đũa. Đợt giao tranh đẫm máu nhất tại Dải Gaza trong nhiều năm qua chính thức bắt đầu.
Trong ngày chiến sự đầu tiên, IDF thống kê trung bình ba phút lại có một quả rocket nã vào các thành phố và thị trấn của nước này. Pháo kích, ném bom và rocket từ cả hai phía tiếp diễn trong hơn 10 ngày sau. Trường học và hàng quán tại Gaza phải đóng cửa. Giới chức địa phương kêu gọi người dân ẩn náu trong nhà hoặc các khu vực trú ẩn. IDF xác nhận đã đánh trúng hàng trăm mục tiêu. Trong khi đó, các nhóm vũ trang Palestine phóng hơn 4.000 quả rocket nhắm vào Israel - hỏa lực lớn nhất từ Hamas và những lực lượng liên minh từ trước đến nay. Phần lớn rocket bị đánh chặn bởi hệ thống phòng không Vòm Sắt do Israel phát triển với vốn đầu tư từ Mỹ.
Giới quan sát cũng lưu ý đến yếu tố chính trị rõ nét trong đợt giao tranh đẫm máu lần này từ cả hai phía. Chiến sự ập đến ngay thời điểm vận mệnh chính trị của Benjamin Netanyahu trong thế "nghìn cân treo sợi tóc". Sau 4 kỳ tổng tuyển cử bất phân thắng bại chỉ trong hơn hai năm, các đối thủ của Netanyahu bắt tay đàm phán lập chính phủ liên minh nhằm đánh bật ông khỏi chiếc ghế thủ tướng. Người lãnh đạo chính phủ Israel suốt 12 năm qua còn đối mặt với những cáo buộc tham nhũng. Netanyahu chọn liên kết với lực lượng chính trị cực hữu, trong đó có Itamar Ben-Gvir, lãnh đạo đảng Quyền lực Do Thái vốn có lập trường cực đoan và liên quan đến những vụ đụng độ với người Palestine ở Jerusalem. Những người chỉ trích cho rằng Thủ tướng Israel để cho tình hình tại Jerusalem leo thang một phần do yếu tố chính trị chi phối.
Trong khi đó, người dân Palestine đã sục sôi với bức xúc chính trị từ trước đợt giao tranh, khi những nỗ lực đòi chủ quyền và quyền lợi cơ bản ở Jerusalem liên tục bị cản trở. Israel không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ sẵn sàng kết thúc chiếm đóng đất của người Palestine cho những chương trình tái định cư bành trướng.
Cuối tháng 4, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, đứng đầu chính phủ đang kiểm soát một phần khu vực Bờ Tây, phải tuyên bố hoãn cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong vòng 15 năm qua cho người Palestine. Trên lý thuyết, người Palestine trên khắp vùng đất, gồm cả khu vực bị Israel chiếm đóng ở Bờ Tây, Đông Jerusalem lẫn Dải Gaza sẽ bỏ phiếu. Tuy nhiên, Israel ngăn chính quyền Palestine tổ chức bầu cử trong khu vực chiếm đóng lẫn Đông Jerusalem, còn Bờ Tây không tìm được tiếng nói chung với Hamas ở Dải Gaza. Giữa tình cảnh uy tín sụt giảm, Tổng thống Abbas đổ lỗi quyết định hủy tổng tuyển cử cho Israel.
Hamas cũng đối diện nhiều sức ép tại dải Gaza, với những cuộc khủng hoảng nhân đạo liên tiếp trong vòng 14 năm qua do lệnh phong tỏa từ Ai Cập lẫn Israel. Tuyên bố "thắng lợi" khi đạt thỏa thuận ngừng bắn tạo ra lực đẩy chính trị cần thiết cho Hamas tăng uy tín, nhắm đến khỏa lấp khoảng trống lãnh đạo chính trị trong xã hội Palestine.
Ngoài xung đột tôn giáo và tác động chính trị, câu chuyện giành đất ở Jerusalem cũng góp phần đẩy căng thẳng Israel - Palestine leo thang thành chiến sự.
Trong thời gian qua, một nhóm hoạt động chính trị Israel đã gia tăng sức ép pháp lý, tìm cách trục xuất các gia đình người tị nạn Palestine trong khu dân cư Sheikh Jarrah. Khu vực này nằm trong vùng Israel chiếm đóng ở Đông Jerusalem nhưng người Palestine chiếm đa số. Người Palestine trong khu vực này cũng không được công nhận quyền công dân Israel, khiến cho việc trục xuất và di dời càng thêm rắc rối. Tòa án Tối cao Israel đã ấn định thời hạn trục xuất các gia đình tị nạn vào tuần trước, nhưng tổng chưởng lý nước này quyết định hoãn thi hành án để giảm căng thẳng. Phán quyết Sheikh Jarrah vấp phải phản đối kịch liệt từ cả công dân Arab của Israel, người Palestine sống ở Bờ Tây và các quốc gia láng giềng.
Nhìn rộng hơn dưới lăng kính khu vực, vụ đụng độ ở thánh đường Al-Aqsa khiến quan hệ giữa Jordan, quốc gia bảo hộ cho địa điểm Hồi giáo linh thiêng, và Israel thêm căng thẳng. Việc hàng loạt quốc gia Arab ở Vùng Vịnh bình thường hóa quan hệ với quốc gia Do Thái khiến người Palestine đang chịu bất công tại Dải Gaza và Đông Jerusalem thêm bức xúc về số phận tương lai của họ, tiếp "nhiên liệu" cho xung đột leo thang.
Tầng tầng lớp lớp xung đột sâu sắc và đam xem phức tạp dẫn đến chiến sự tại dải Gaza thực chất vẫn chưa được giải quyết, bất chấp tuyên bố ngừng bắn từ cả Hamas và Israel. Ngọn lửa mâu thuẫn vẫn âm ỉ vì chúng xuất phát bên ngoài dải đất bi kịch. Những giao tranh suốt 11 ngày qua chỉ là sự bùng phát bề nổi qua lời hiệu triệu của Hamas. Quy mô, hỏa lực lẫn mức độ khốc liệt của chiến sự khiến cả Mỹ lẫn chính phủ Israel bất ngờ, với bạo lực mở rộng từ đất liền đến ngoài khơi, từ Dải Gaza đến Bờ Tây và leo thang ngay trong biên giới năm 1967 của Israel. Giới quan sát lo ngại giằng co Israel - Palestine sẽ khó trở về với nguyên trạng và ngọn lửa xung đột sớm lan đến Bờ Tây.
"Vì Israel cố kìm kẹp Abbas và chính quyền Palestine, khu vực Bờ Tây khó thoát khỏi cuộc xung đột kế tiếp. Điều phối an ninh giữa Israel và chính quyền Palestine không đủ sức kiềm chế ngọn lửa đang lan rộng. Với những luận điệu cực đoan thời gian qua về việc sáp nhập lãnh thổ, chính phủ cánh hữu ở Israel không đời nào chấp nhận một tiến trình chính trị có lãnh đạo chính quyền Palestine tham gia", Khalil Shikaki, nhà phân tích chính trị Palestine, cảnh báo.
Trung Nhân (Theo Washington Post)