Giao tranh kéo dài 10 ngày qua giữa các chiến binh Hamas và quân đội Israel đã gây hư hại 17 bệnh viện và phòng khám ở Gaza, phá hủy phòng xét nghiệm nCoV duy nhất, khiến nước thải rò rỉ ra đường phố và làm vỡ đường ống nước sạch phục vụ ít nhất 800.000 người, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo ảnh hưởng đến gần như mọi người trong khu vực đông đúc hai triệu dân trên Dải Gaza.
Hệ thống xử lý nước thải ở Gaza đã bị phá hủy, một nhà máy khử muối cung cấp nước ngọt cho 250.000 người phải ngừng hoạt động. Hàng chục trường học bị hư hại hoặc đóng cửa, buộc khoảng 600.000 học sinh phải nghỉ học. Khoảng 72.000 người Gaza phải rời bỏ nhà cửa. Ít nhất 227 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó có 64 trẻ em.
Mức độ tàn phá và thiệt hại về người ở Gaza nhấn mạnh thách thức nhân đạo ở vùng đất này, vốn đã phải hứng chịu lệnh phong tỏa vô thời hạn của Israel và Ai Cập từ trước khi cuộc xung đột nổ ra.
Hỏa lực từ Hamas cũng gây hại cho cơ sở hạ tầng Israel, làm hỏng một đường ống dẫn khí đốt, khiến một giàn khoan khí đốt và hai sân bay lớn dừng hoạt động. Nhưng thiệt hại của Israel không thể so sánh được với những gì Dải Gaza phải hứng chịu.
Cho đến tối 17/5, phòng khám Al Rimal là nơi duy nhất có thể tiến hành xét nghiệm nCoV của Gaza. Y bác sĩ tại đây tiêm hàng trăm mũi vaccine, kê đơn và khám sàng lọc cho hơn 3.000 bệnh nhân mỗi ngày.
Nhưng vào đêm 17/5, một quả bom Israel rơi trên đường phố bên ngoài, khiến mảnh bom văng vào phòng khám, làm vỡ cửa sổ, cửa ra vào, đồ đạc và máy tính, khiến các căn phòng đầy mảnh vỡ và phòng thí nghiệm bị hư hại. Họ phải dừng tiêm chủng và dừng tiếp nhận bệnh nhân. Hiệu thuốc đóng cửa và việc giao thuốc cũng bị dừng.
Hơn 1.000 người Gaza đã bị thương trong cuộc tấn công của Israel, vì vậy, thiệt hại đối với các bệnh viện và trạm y tế là đặc biệt nguy hiểm. Mohammed Abu Samaan, quản lý cấp cao của phòng khám, cho biết: "Trong thời kỳ xung đột, mọi người cần được điều trị nhiều hơn bình thường. Bây giờ chúng tôi còn không thể cung cấp thuốc cho họ".
Tình hình nhân đạo ở Gaza đã rất nghiêm trọng trước chiến tranh. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực này dao động quanh mức 50%. Chính phủ Israel và Ai Cập kiểm soát những thứ được ra vào vùng lãnh thổ, cũng như hầu hết nguồn điện và nhiên liệu. Israel cũng kiểm soát đăng ký khai sinh, không phận, tuyến hàng hải và dữ liệu di động của Gaza, đồng thời hạn chế người Palestine tiếp cận đất nông nghiệp bên cạnh vành đai của dải đất.
Trung tá Jonathan Conricus, phát ngôn viên quân đội Israel, không phủ nhận các cuộc không kích của Israel đã gây ra thiệt hại cho cơ sở hạ tầng dân sự ở Gaza, nhưng khẳng định họ đã cố gắng hết sức để tránh điều đó. "Cơ sở y tế, nhà thờ Hồi giáo, trường học, nhà máy nước và những thứ tương tự đều được đánh dấu trong hệ thống của chúng tôi là cơ sở hạ tầng nhạy cảm không được nhắm mục tiêu", ông nói. "Chúng tôi đã có các biện pháp phòng ngừa".
Các chiến binh Hamas hoạt động tại một mạng lưới địa đạo lớn dưới Gaza. Khi máy bay chiến đấu Israel thả bom nhằm phá hủy mạng lưới đó, người dân bị kẹt ở giữa là những người chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Hamas đã phóng hàng nghìn quả rocket vào các thành phố và thị trấn Israel, nhưng vũ khí của họ kém hiệu quả hơn nhiều và gây thiệt hại thấp hơn nhiều so với bom xuyên và tên lửa Israel. Ở nam Israel, các trường học nằm trong tầm bắn của rocket Hamas đã bị đóng cửa và nhiều gia đình đã rời khỏi khu vực biên giới. Những tiếng còi báo động liên tục cảnh báo về hỏa lực sắp tới đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày ở Israel, đặc biệt là ở miền nam, khiến người Israel phải chạy đến các nơi trú ẩn liên tục.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công của Hamas dường như cũng góp phần vào cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza. Ngày 18/5, khi 24 xe tải chở hàng viện trợ quốc tế từ Israel cố gắng tiến vào Gaza, họ vấp phải hỏa lực súng cối từ các chiến binh Palestine, theo các quan chức Israel và Liên Hợp Quốc. Chỉ 5 xe tải vượt qua được ranh giới, những chiếc khác phải quay đầu. Israel nói rằng đoàn xe này chở thiết bị y tế, thức ăn gia súc và các thùng nhiên liệu cho các tổ chức quốc tế ở Gaza.
Kể từ năm 2007, Hamas đã tham gia vào ba cuộc xung đột lớn với Israel và một số cuộc giao tranh nhỏ hơn. Sau mỗi đợt bạo lực bùng phát, cơ sở hạ tầng của Gaza lại rơi vào tình trạng hỗn độn.
Theo báo cáo năm ngoái của Liên Hợp Quốc, các cuộc chiến và phong tỏa đã khiến Gaza có "tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thế giới" và hơn một nửa dân số sống dưới mức nghèo khổ. Đến ngày 17/5, bom của Israel đã phá hủy 132 tòa nhà dân cư và khiến 316 căn hộ ở không thể ở được.
Các cuộc không kích đã phá hủy phòng khám Hala al Shawa ở bắc Gaza, cũng là một điểm tiêm chủng, đồng thời làm hư hại 4 xe cứu thương gần đó. Cửa sổ phòng phẫu thuật bị vỡ, buộc bệnh viện phải chuyển bệnh nhân phẫu thuật đến các cơ sở khác.
Một đòn không kích khác cũng khiến bệnh viện Indonesia gần đó hư hại. Một mảnh bom bay vào phòng cấp cứu tại Bệnh viện Mắt Gaza suýt khiến một y tá bị thương.
Tiến sĩ Majdi Dhair cho biết cuộc tấn công đã đánh trúng phòng khám Al Rimal ở thành phố Gaza cũng gây thiệt hại cho các văn phòng hành chính của Bộ Y tế do Hamas điều hành.
Một nhân viên của bộ đã phải nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng sau khi mảnh bom găm vào đầu. "Cuộc tấn công này thật man rợ", Dhair nói. "Không có cách nào để biện minh".
Phương Vũ (Theo NYTimes)