Ở Rajewadi, ngôi làng nhỏ trồng mía với khoảng 360 người ở bang Maharashtra, phía tây Ấn Độ, chính quyền chỉ tiến hành xét nghiệm diện rộng sau khi một người già được phát hiện tử vong do Covid-19 hôm 17/8. Kể từ đó, 91 người đã dương tính và ngôi làng bị cảnh sát phong tỏa.
Theo cả giới chức, cảnh sát lẫn người dân, nhiều ngày trước khi tử vong, bệnh nhân trên và khoảng 30 người khác đã tụ tập cầu nguyện trước một vị thần địa phương. Họ ăn tối cùng nhau sau khi hành lễ và không ai đeo khẩu trang hay giãn cách.
Hầu hết những người này đều dương tính với nCoV. Cảnh sát đã lập hồ sơ người tổ chức vì vi phạm quy định về phòng dịch của bang. Một người chứng kiến buổi lễ cho biết "mọi người hành xử như thể nCoV sẽ không chạm tới họ".
Ngôi làng hiện bị rào bằng tre và gỗ, cùng tấm bảng mô tả đây là khu vực cấm. Sanjay Bhosale, một chủ cửa hàng tạp hóa có con trai nhiễm nCoV, cho hay dân làng chán nản với những lệnh cấm và bắt đầu thăm nhau như trước đây.
"Một nhận thức đã được hình thành rằng nCoV chỉ là phóng đại, rằng nó không nghiêm trọng như thế", Bhosale nói. "Cuộc sống bình thường đã quay lại với chúng tôi. Chỉ sau khi một người chết, mọi người mới lại xem đó là chuyện nghiêm trọng, nhưng virus đã lây lan khắp làng. Bây giờ chúng tôi phải cẩn trọng".
Sự bùng phát các ca nhiễm ở những ngôi làng và thị trấn nhỏ, nơi việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội gần như biến mất, còn các cuộc tụ họp cộng đồng quay trở lại. Điều này giải thích tại sao số ca nhiễm ở Ấn Độ đang tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới và tại sao nước này sớm đạt mốc 4 triệu ca nhiễm.
Dựa trên các xu hướng hiện nay, Ấn Độ sẽ vượt Brazil trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới sau Mỹ chỉ trong vài ngày. Quốc gia Nam Á báo cáo hơn 83.800 ca nhiễm mới hôm 3/9, vượt cả kỷ lục toàn cầu trước đó về mức tăng hàng ngày cao nhất. Ca nhiễm đang gia tăng ở các thị trấn, làng mạc và thành phố nhỏ hơn, trong khi tình hình đã ổn định ở các đô thị lớn New Delhi và Mumbai.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết tỷ lệ tử vong tương đối thấp của Ấn Độ có thể tăng lên khi virus lan khắp vùng nông thôn rộng lớn, nơi các cơ sở y tế chỉ ở mức cơ bản nhất.
Việc xét nghiệm đang được tăng cường ở nông thôn Ấn Độ, nơi 60% trong số 1,35 tỷ dân của nước này sinh sống. Khi có nhiều trường hợp dương tính được báo cáo hơn nhờ mở rộng xét nghiệm, một số bang như Assam ở phía đông bắc Ấn Độ đã yêu cầu cảnh sát thắt chặt việc thực thi các biện pháp giãn cách xã hội và các hạn chế khác. Bang Assam là một trong những nơi có số ca nhiễm cao nhất ở Ấn Độ.
Tại bang Satara, số ca đã tăng gấp đôi từ ngày 6 đến 23/8, khoảng thời gian mà Ấn Độ ghi nhận thêm 1 triệu ca nhiễm mới, mức tăng nhanh nhất thế giới.
Giới chức cảnh báo tình hình sẽ tồi tệ hơn trước khi tốt lên.
"Hồi tháng 4 và tháng 5, mọi người tuân thủ tất cả các quy tắc nhưng bây giờ tâm lý đã thay đổi. Họ trở nên bình thường và xem nhẹ nCoV", bác sĩ Subhash Chavan ở Satara cho biết.
Satara hiện tiến hành hơn 2.000 xét nghiệm/ngày, tăng gấp 10 so với cách đây vài tuần. Trên toàn quốc, số lượng xét nghiệm của Ấn Độ tăng hơn gấp đôi trong một tháng lên hơn 1 triệu xét nghiệm/ngày, tương đương khoảng 32 xét nghiệm/1.000 dân, cao hơn nhiều nước phát triển nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ của Mỹ là 253 xét nghiệm/1.000 dân.
Giới chức cho biết vì cơ sở hạ tầng y tế nông thôn của Ấn Độ yếu kém, trọng tâm là xét nghiệm để bệnh nhân có thể được cách ly sớm hơn tại nhà, dành giường bệnh khan hiếm cho những trường hợp nguy kịch nhất. Tại bang nông thôn Maharashtra, cả bệnh viện công và tư đều đang hết giường. Tuy nhiên, chỉ có 1,76% bệnh nhân được xác nhận đã tử vong ở Ấn Độ, so với tỷ lệ tử vong toàn cầu là 3,3%.
Lo ngại suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử, Ấn Độ đang nới lỏng dần các hạn chế, bất chấp ca nhiễm gia tăng. Nước này sẽ nối lại các chuyến tàu điện ngầm và cho phép tới 100 người tham gia các sự kiện tôn giáo, chính trị và các sự kiện khác bắt đầu từ cuối tháng này.
"Chúng ta phải cân nhắc góc độ kinh tế khi ứng phó với đại dịch", Himanta Biswa Sarma, Bộ trưởng Tài chính và Y tế bang Assam, nói. "Thay vì phong tỏa thường xuyên, chúng ta phải duy trì giãn cách xã hội và đeo khẩu trang để hạn chế virus".
Anh Ngọc (Theo Reuters)