"Hiện mọi người đang thực sự lo lắng về tương lai của mình", ông Sharma nói, người có mái tóc bồng bềnh và chấm đỏ son lớn giữa trán, trong căn phòng tỏa ra mùi hương của những cây nhang đang cháy âm ỉ và chiếc laptop Apple đặt trên bàn làm việc.
"Họ sẽ sống sót ra sao? Họ có việc làm hay không? Liệu doanh nghiệp của họ có tồn tại được hay không", Sharma nói thêm về nhu cầu của khách hàng.
Người Ấn Độ đổ xô tìm đến các nhà chiêm tinh, người xem bài tarot hay những người chữa bệnh bằng tâm linh, nhằm thỏa mãn sự hiếu kỳ rằng điều gì đang chờ đợi họ ở phía trước, cũng như xem đây là giải pháp cho các vấn đề về sức khỏe, tài chính và tinh thần ở nơi đang là vùng dịch lớn thứ ba thế giới. Ấn Độ hiện ghi nhận hơn 3,3 triệu ca nhiễm và hơn 60.000 ca tử vong do Covid-19.
"Bất cứ khi nào tâm chúng tôi bất an và chúng tôi cảm thấy lo lắng, chúng tôi lại đến đây", Anju Devi, 52 tuổi, người tìm đến ông Sharma để hỏi về công việc kinh doanh đang lao dốc của con trai và triển vọng cuộc hôn nhân của con gái bà. "Những người bị trầm cảm và đang dùng thuốc, họ cảm thấy tinh thần phấn chấn hơn sau khi đến đây và điều đó có thể giúp họ khỏi bệnh", bà Devi nói.
Các nhà chiêm tinh học Ấn Độ, người xem chỉ tay, nhân tướng học hay người bói bài tarot ước tính doanh thu tới hàng trăm triệu USD mỗi năm. Ajay Bhambi, một nhà chiêm tinh và nhà tư vấn tâm linh nổi tiếng cho các chính trị gia, các ngôi sao Bollywood và các vận động viên chuyên nghiệp, cho biết việc kinh doanh của ông tăng khoảng 40% kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
"Bạn ôm hy vọng sống và xem chính xác điều gì đang chờ đợi ở tương lai. Nếu tôi nhìn thấy dù chỉ là một tia hy vọng nhỏ, tôi có thể vẽ nên một bức tranh tươi sáng hơn cho họ", ông Bhambi, một gương mặt quen thuộc trên truyền hình Ấn Độ, nói. Ông Bhambi dự đoán cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ sẽ được cải thiện từ tháng 3 năm sau.
Tuy nhiêm, không phải chuyên gia tâm linh nào cũng "đắt khách" giữa Covid-19. Kripajyoti Nisha Singla, một chuyên gia chữa bệnh tâm linh và liệu pháp thôi miên, cho biết bà đã phải hủy nhiều khóa học vì nhu cầu giảm.
"Năng lực mách bảo tôi rằng mọi người đang tiết kiệm tiền", Singla nói. "Mọi người đều đang lo lắng cho tài chính của họ, và không chắc họ sẽ tồn tại ra sao nếu cuộc khủng hoảng kéo dài", bà nói.
Mai Lâm (Theo Reuters)