Cô kiểm tra những con số từ chiếc máy đo oxy trị giá 1.000 rupee (13 USD), đảm bảo tất cả đều trên mức 95 như quy định, sau đó ghi chép vào nhật ký của mình.
"Khi chưa có thiết bị này, chúng tôi không biết lượng oxy của họ là bao nhiêu", Kumari nói, giải thích rằng nhóm của cô rất lo lắng vì bệnh tình của các bệnh nhân xấu đi nhanh chóng, khi New Delhi thiếu giường bệnh trầm trọng. "Bây giờ chúng tôi có thể phát hiện kịp thời và chuyển bệnh nhân tới bệnh viện một cách an toàn".
Chính quyền New Delhi đến nay đã phân phát miễn phí những chiếc máy đo oxy đến hơn 32.000 người dân, xem đây là trọng tâm của kế hoạch nhằm cô lập những bệnh nhân hầu như không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà của họ.
Chương trình này được áp dụng từ tháng 5, khi số ca nhiễm nCoV bắt đầu gia tăng ở thành phố đông đúc 20 triệu dân.
"Nếu không làm thế, thậm chí sẽ không có phòng để đứng ở các bệnh viện của chúng tôi", giám đốc cơ quan y tế New Delhi, Satyendar Jain, cho biết.
Với hơn 3,5 triệu ca nhiễm, Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ ba thế giới chỉ sau Mỹ và Brazil. Các bang trên khắp nước này đã triển khai nhiều biện pháp để ứng phó với đại dịch.
Tại New Delhi, giới chức y tế bắt đầu nhận thấy tình trạng hạ oxy trong máu mà không gây khó thở, dẫn tới các biến chứng ở bệnh nhân Covid-19 tự cách ly tại nhà. Để được theo dõi thường xuyên, các bệnh nhân phải đến bệnh viện hoặc dùng thiết bị đo oxy rẻ tiền trên, phần lớn được sản xuất ở Trung Quốc.
New Delhi hiện ghi nhận khoảng 173.000 ca nhiễm, trong đó hơn 4.400 ca tử vong. Chỉ 14.700 ca vẫn còn điều trị và nhiều bệnh viện hiện trống giường.
Các thành phố khác trên thế giới cũng đã triển khai thiết bị trên. Hồi tháng 5, thời gian cao điểm của dịch bệnh, Singapore đã phân phát vài nghìn máy đo oxy cho những công nhân nhập cư cách ly trong các ký túc xá chật chội, tâm dịch của nước này. Bộ Y tế Singapore cho biết máy đo oxy cho phép người lao động "chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân và liên hệ để được trợ giúp về y tế khi cần".
Tại Ấn Độ, những địa phương khác cũng đã bắt kịp mô hình của New Delhi. Từ cuối tháng 7, bang Assam, đông bắc nước này, đã cung cấp gần 4.000 máy đo oxy cho bệnh nhân cách ly tại nhà.
Tuy nhiên, một số bác sĩ lo ngại rằng các bệnh nhân không phải lúc nào cũng biết cách sử dụng thiết bị.
"Cần huấn luyện cho các bệnh nhân về cách dùng máy đo oxy", bác sĩ Hemant Kalra, chuyên gia về hô hấp ở New Delhi, nói, đồng thời cảnh báo nhiều thiết bị giá rẻ, không đạt tiêu chuẩn đang trôi nổi trên thị trường.
Trong khi đó, giám đốc cơ quan y tế New Delhi Satyendar Jain khẳng định chương trình của chính quyền đang phát huy hiệu quả và họ không ghi nhận ca tử vong nào trong số hàng nghìn bệnh nhân cách ly tại nhà một tháng rưỡi qua.
Các thiết bị đo oxy cũng giúp làm giảm viện phí đắt đỏ với những ca triệu chứng nhẹ, ông Jain nói, tiết kiệm hơn 10 lần so với giá của thiết bị này mỗi ngày ở bệnh viện.
Vào một ngày nắng ấm, ẩm ướt tuần trước, Kumari mặc áo bảo hộ, đeo găng tay và kính, đi dọc những con ngách hẹp của khu Chirag Delhi. Cùng một đồng nghiệp, cô dừng lại ở nhà của Satish Kumar Soni để kiểm tra sức khoẻ cho ông và 3 người thân đang kết thúc 10 ngày cách ly và thu lại hai chiếc máy đo oxy được chính quyền cấp.
Sonu, một người kinh doanh trang sức 59 tuổi, cho biết thiết bị này đã giúp gia đình ông xoá bỏ nỗi sợ hãi và lo lắng khi họ dần dần hồi phục.
"Đó không phải là một căn bệnh đáng sợ", ông nói. "Nếu lượng oxy vẫn ổn thì không có gì quá nguy hiểm".
Anh Ngọc (Theo Reuters)