Phát biểu hôm nay tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với lãnh đạo 17 quốc gia Trung và Đông Âu, hay còn gọi là nhóm 17+1, Chủ tịch Tập Cận Bình đề cập đến việc Serbia đã nhận một triệu liều vaccine Covid-19 do Trung Quốc phát triển, nói thêm rằng Trung Quốc và Hungary cũng đang hợp tác trên lĩnh vực này.
"Trung Quốc sẽ tích cực xem xét những quan hệ hợp tác như vậy", ông Tập cho hay, đồng thời cam kết mở rộng Sáng kiến Vành đai và Con đường, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng xuyên lục địa, tại khu vực châu Âu. Ngoài ra, Chủ tịch Trung Quốc cho biết nước này sẽ nhập khẩu số hàng hóa trị giá 170 tỷ USD và tăng gấp đôi sức mua nông sản từ Trung và Đông Âu trong vòng 5 năm tới.
Nhóm 17+1 gồm Trung Quốc và những quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cùng các nước ngoài khối, được thành lập vào năm 2012 sau khủng hoảng tài chính toàn cầu và khu vực đồng euro. Các nước thành viên hàng đầu của EU cáo buộc Trung Quốc đang cố gắng chia rẽ liên minh thông qua nhóm 17+1. Một số quốc gia thuộc nhóm này, như Estonia và Lithuania, cũng tỏ ra hoài nghi những sáng kiến của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành, châu Âu rơi vào tình huống hỗn loạn vì chiến dịch tiêm chủng nhiều bất cập, khiến nhiều nước cảm thấy không còn có thể trông cậy vào EU. Serbia, quốc gia đang triển khai vaccine Sputnik V của Nga và vaccine Covid-19 của tập đoàn Trung Quốc Sinopharm, đạt tỷ lệ tiêm chủng hơn 7%, trong khi EU mới đạt 2,8%.
Hôm 4/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng thừa nhận nỗ lực phát triển vaccine Covid-19 của Trung Quốc là "thành công ngoại giao rõ ràng", khiến châu Âu "bẽ mặt một chút". Tuy nhiên, ông vẫn bày tỏ tin tưởng vào chương trình Covax của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc phân phối vaccine Covid-19 toàn cầu.
Ánh Ngọc (Theo SCMP, AP)