Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ngộ độc rượu có hai dạng là ngộ độc rượu thông thường (ethanol) và ngộ độc cồn công nghiệp methanol.
Ngộ độc rượu thông thường (rượu nấu từ ngũ cốc) do uống quá nhiều rượu, khiến cơ thể thoát ức chế, mất kiểm soát. Bác sĩ phân tích, rượu thông thường bản chất giống như thuốc ngủ. Ban đầu, người uống có cảm giác hưng phấn, kích thích nhẹ. Nếu uống quá nhiều, bệnh nhân sẽ bị ngộ độc nặng với các triệu chứng kích thích thần kinh, hạ đường huyết, tụt huyết áp, hạ thân nhiệt, thậm chí suy hô hấp, hôn mê sâu.
Nặng nhất, người bệnh tử vong do không thể thở, hạ đường huyết, tổn thương não hoặc hít phải đờm rãi, chất nôn gây viêm phổi, sặc phổi. Một số trường hợp do di chứng hôn mê thời gian dài gây hỏng cơ, suy thận, mất nước cũng không thể cứu chữa.
Dạng ngộ độc rượu thứ hai là ngộ độc cồn công nghiệp methanol (hóa chất thường dùng để pha xăng E5). Nguyên nhân do methanol được "tuồn" trái phép ra ngoài, pha vào rượu nhằm mục đích kinh doanh phi pháp.
Đa số vụ ngộ độc methanol xảy ra khi người dân mua rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoặc nguồn gốc bị làm giả, không được cơ quan chức năng kiểm soát. Một số khác do mua cồn sát trùng (cồn y tế) về pha với nước thành rượu uống, tuy nhiên chai cồn sát trùng này vô tình bị pha trộn methanol.
Những giờ đầu sau khi uống phải cồn công nghiệp methanol, người bệnh chỉ có cảm giác say giống say rượu thông thường. Sau khoảng 1-2 ngày, chất độc bắt đầu chuyển hóa. Bệnh nhân xuất hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh do rối loạn axit máu, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết trường hợp đã tổn thương não, mắt và tuần hoàn, ở trong tình trạng nguy kịch.
Bác sĩ Nguyên nhận định,các ca ngộ độc rượu thông thường chiếm số lượng lớn hơn so với ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Khi đã ngộ độc methanol, bệnh nhân đều có di chứng rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Bác sĩ nhấn mạnh, khi ngộ độc rượu thông thường, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng ban đầu như mặt tái lạnh, ôn ọe nhiều, đi không vững... Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo (có thể nói được), nên đặt nằm nghiêng để tránh hít chất nôn vào phổi và giữ ấm cẩn thận. Sau đó, cho người bệnh ăn các thức ăn có chứa tinh bột như cơm, bún, miến phở, cháo và nước đường hoặc sữa có đường, giúp bổ sung dinh dưỡng sau nôn, tránh hạ đường huyết. Cần để ý, theo dõi người bệnh cho tới khi các triệu chứng đỡ hẳn. Không được để bệnh nhân tự di chuyển, kể cả đi bộ.
Trong trường hợp người bệnh không thể ăn hoặc có tình trạng nặng hơn như da lạnh tái, run rẩy, co giật, thở khò khè..., đưa ngay tới cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Với ngộ độc methanol, các triệu chứng khi phát tác đã rất nặng, người thân ngay lập tức chuyển bệnh nhân đi cấp cứu. Những người uống rượu cùng bệnh nhân ngộ độc methanol cũng tới bệnh viện kiểm tra ngay dù chưa có biểu hiện đặc biệt.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo tốt nhất nên hạn chế uống rượu. Uống ít nhất có thể, giảm cả về số lần uống và số lượng rượu uống. Nếu muốn sử dụng rượu, nên uống sau giờ làm việc, không điều khiển phương tiện giao thông sau uống.
Đặc biệt, những người trẻ tuổi, người gầy yếu, suy dinh dưỡng, phụ nữ, người mắc bệnh tim mạch, bệnh về hô hấp... không nên sử dụng rượu bia vì rất dễ ảnh hưởng sức khỏe.
Loại rượu chọn uống tốt nhất nên là rượu tự nấu hoặc mua ở những nơi có đăng ký kinh doanh, những đại lý siêu thị chính thống có quản lý mã hàng, nhãn hàng. Không nên ham rẻ mà chọn mua rượu trôi nổi, không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ.