Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, điều trị ngày 10/1. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết người bệnh hôn mê sâu, tụt huyết áp, suy hô hấp, đồng tử giãn, nhiễm toan chuyển hóa (tình trạng nhiễm acid trong máu) nặng. Đường huyết của người bệnh chỉ còn 0,6 mmol/l, trong khi chỉ số bình thường là 4mmol/l. Trong khi đó, nồng độ rượu trong máu của người bệnh là 260 mg/dl, rất cao so với bình thường.
Sau một ngày điều trị hồi sức tích cực, lọc máu cấp cứu, người bệnh vẫn hôn mê, huyết áp tiếp tục giảm, tiên lượng tử vong khoảng 50%.
"Nếu bệnh nhân này sống sót chắc chắn sẽ chịu các di chứng nặng như lơ mơ, hôn mê", bác sĩ Nguyên nói.
Trước đó, Trung tâm chống độc tiếp nhận nam thanh niên 29 tuổi ở Hưng Yên ngộ độc rượu nặng. Sau hai ngày điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân không còn khả năng cứu chữa, được gia đình đưa về nhà ngày 6/1, tử vong.
Bác sĩ Nguyên cho biết đây là hai trong số rất nhiều ca ngộ độc rượu nặng bệnh viện tiếp nhận gần đây. Người bệnh trong độ tuổi lao động, thường uống nhiều rượu gây hạ đường huyết. Nhiều trường hợp đến viện muộn, quá nguy kịch, không thể điều trị.
Theo bác sĩ Nguyên, người uống rượu thường không ăn tinh bột, bổ sung đạm trong quá trình uống, sau đó đi ngủ ngay. Họ bị giảm đường huyết nặng, có thể tử vong do hạ đường huyết, không có năng lượng dự trữ. Người uống quá nhiều rượu bị ức chế thần kinh và hệ hô hấp nên thở yếu, khò khè, thiếu oxy, tổn thương não.
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo mọi người không uống rượu để phòng tránh ngộ độc. Trong trường hợp phải uống, cần bù năng lượng cho cơ thể bằng cách ăn thêm tinh bột hoặc uống nước trái cây, nước canh, nước cháo loãng... Thuốc giải rượu không được khuyến cáo sử dụng do không có tác dụng chống say, giải rượu.
Dấu hiệu ngộ độc là hỏi, nói hạn chế, không thể đi lại, lơ mơ, thở khò khè, chậm chạp. Khi đó, cần đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế ngay để được điều trị kịp thời.
Chi Lê