Tôi có hẹn cà phê họp mặt với đám bạn thân ở trung tâm thành phố lúc 8h. Do ở ngoại ô, tôi tranh thủ đi thật sớm, tôi có mặt đúng giờ.
Ngồi mãi mà chưa thấy ai đến, nhìn đồng hồ đã 9h, trong lòng có chút bực bội và khó chịu, tôi lấy điện thoại ra gọi cho một người trong số đám bạn ấy. Thật ngạc nhiên, cô ấy trả lời tỉnh queo: “Xin lỗi, chờ chút tới liền, nãy giờ còn ngủ”.
Mặc dù đêm trước, mọi người bàn bạc rôm rả trong nhóm chat rằng ngày mai nhớ đến sớm, uống cà phê xong rồi nhóm đi chụp hình, rồi cùng đi ăn với nhau vì lâu rồi chưa họp mặt.
Bình tĩnh chờ đợi, mãi đến 10h, những người bạn của tôi mới đến đông đủ. Điều đáng nói là khi đến, ai cũng ríu rít “xin lỗi”, “xin lỗi”, “xin lỗi, đừng giận tao nha”. Giận các bạn rồi, hai tiếng buổi sáng chờ đợi có trở về với tôi không?
Dù muốn hay không, tôi cũng phải chấp nhận lời xin lỗi ấy. Nhưng tôi cảm thấy những lời xin lỗi đang bị lạm dụng. Đám bạn biết rằng tôi sẽ không nỡ giận, nên họ xuề xoà đi trễ. Gặp mặt thì xin lỗi rồi huề cả làng, thế thôi.
Thời gian gần đây ở ta, lời xin lỗi đã vượt khỏi những mối quan hệ cá nhân, nhỏ lẻ, tiến tới những mối quan hệ có tính cộng đồng qua việc chúng ta thấy nhiều lời xin lỗi, là lời phân trần, hối hận của một quan chức nào đấy với những người dân nào đấy, về một sai phạm nào đấy.
Rồi “Xin lỗi vì đã làm phiền khi ra vào trạm” được dán đằng sau đuôi xe buýt. Hay dòng chữ “Công trường đang thi công, xin lỗi vì sự bất tiện này” được trang trọng dán lên tấm bảng để trước lô cốt.
Nhiều người bày tỏ sự vui mừng khi thấy những dòng xin lỗi đó. À, thì ra ở ta cũng đã có thói quen xin lỗi rồi. Chúng ta đã được tôn trọng, chúng ta đã có "văn hoá xin lỗi" rồi.
Nhưng những chiếc xe buýt vẫn dàn hàng ngang, vẫn tạt đầu người đi xe máy, vẫn phóng nhanh bạt mạng, vẫn đi vào làn xe máy. Đường sá thì bị đào bới nham nhở, lô cốt thì chây ì đứng đó hàng tháng trời đến nỗi tấm băng rôn in lời xin lỗi cũng bị bay màu. Người đi đường cũng chẳng có cơ hội lên tiếng chấp nhận hay từ chối những lời xin lỗi đó, ngoài việc chịu đựng.
Lời xin lỗi xuất hiện một cách dễ dàng, ở mọi mối quan hệ, chúng ta thấy gì từ điều đó? Nó có đang bị lạm dụng không?
Lời cảm ơn và xin lỗi rất đáng hoan nghênh, nhưng đó phải là những lời nói xuất phát từ sự chân thành và sự tôn trọng lẫn nhau. Ở góc độ xã hội, khi lời xin lỗi được nói với công chúng quá nhiều, nó sẽ bị giảm giá trị. Và thường sẽ dẫn đến kết quả cuối cùng là người ta sẽ chẳng làm gì để sửa sai, vì cứ cứ gây lỗi đi, có sao đâu, vì đã có xin lỗi từ trước rồi mà.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây