18h chiều nay (12/2 - giờ Hà Nội), tại Pháp, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Trong đó, FTA nhận được 401 phiếu ủng hộ, 192 phiếu không ủng hộ và 40 phiếu trống. Tỷ lệ này với IPA là 407/188/53.
Sau hôm nay, khi được Hội đồng châu Âu phê chuẩn, FTA sẽ có hiệu lực. Còn IPA cần sự chấp thuận của toàn bộ các nước thành viên EU. Còn Hiệp định EVFTA sẽ cần được Hội đồng châu Âu phê duyệt để có hiệu lực.
Về phía Việt Nam, Chủ tịch nước trên cơ sở đề nghị của Chính phủ sẽ trình ra Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp tháng 5 tới. Ít phút sau khi hiệp định được phê chuẩn, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Công Thương nói: "Nếu mọi việc thuận lợi, hiệp định này sẽ có hiệu lực vào tháng 7 tới".
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thông tin, quá trình xem xét, phê chuẩn hai hiệp định này gặp nhiều thách thức, từ biến động chính trị của EU, quan điểm khác nhau trong nội bộ khối này đến sự khác biệt về thể chế. Dù vậy, ông khẳng định "việc EP thông qua FTA chất lượng cao đầu tiên của EU với một quốc gia đang phát triển cho thấy quyết tâm của EU tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư dựa trên luật lệ".
Bên cạnh đó, việc EP phê chuẩn ngay đầu nhiệm kỳ mới cũng cho thấy lợi ích kinh tế to lớn mà hiệp định mang lại cho cả hai bên. Thứ trưởng kỳ vọng FTA và IPA sẽ tạo động lực cho quan hệ hai bên, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập của Việt Nam.
Khi dịch virus corona đang gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, hiệp định sẽ là đòn bẩy tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU quy mô GDP tới 18.000 tỷ USD.
EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, song thị phần hàng hoá của khu vực này còn khiêm tốn, bởi năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam còn hạn chế. Vì vậy, với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào EU sẽ tăng.
Đại diện INTA Geert Bourgeois gọi thỏa thuận này là cơ hội để EU tiến gần mục tiêu "trở thành người bảo vệ thương mại tự do, phản đối chính sách bảo hộ và nâng cao các tiêu chuẩn về lao động, môi trường trên toàn cầu".
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương lưu ý thêm, nếu doanh nghiệp không sớm nghiên cứu, có chiến lược với từng mặt hàng, thị trường thì sẽ khó tận dụng lợi thế từ hiệp định.
Ông dẫn chứng, nông sản, trái cây không phải có hiệp định thương mại là sẽ bán được tại các thị trường này, dù được hưởng thuế ưu đãi. Muốn vào được những thị trường khó tính như EU, doanh nghiệp buộc phải đáp ứng được quy định khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hoá và chỉ khi sản phẩm đạt chất lượng mới vượt qua được "tường lửa" quy định để chinh phục thị trường này.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 500 tỷ USD năm 2019. Riêng với thị trường EU, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD.
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế.
Hà Thu - Hoài Thu