"Cũng như nhiều người trẻ, tôi cũng nghỉ làm từ hồi 30 tuổi, khi mẹ tôi bị bệnh nằm liệt giường. Cảm giác lúc đó, công việc với tôi không còn không quan trọng lắm. Tôi còn người thân thì còn gia đình, chứ không còn ai thì tôi từ bỏ thành phố đi đâu đó cũng được.
Hai năm nghỉ ở nhà, tôi không đi làm thì làm freelance, shipper và tìm hiểu tài chính để đầu tư chứng khoán, bất động sản, Bitcoin... Thế nhưng, dù nghỉ làm nhưng tôi vẫn có thu nhập, tài sản vẫn tăng đều. Chi phí sinh hoạt cũng không cao nên tôi vẫn đủ sống thoải mái, thậm chí đặt mục tiêu mỗi năm tăng 15% tài sản.
Đã xác định nghỉ làm công ty thì bạn phải tìm cách đầu tư, làm freelance để vẫn có thu nhập. Nói thật, với tôi, phải phấn đấu tự ra làm riêng hoặc tìm hiểu để đầu tư, chứ làm công ăn lương kiếm tiền chỉ để tích vốn và kinh nghiệm thôi, không thể làm công cả đời được".
Đó là quan điểm sống của độc giả Triệu Vân xung quanh xu hướng chủ động thất nghiệp của người trẻ hiện nay. Mục đích chính của họ là muốn có khoảng thời gian không làm việc để học hỏi thêm kỹ năng, sẵn sàng cho các thử thách mới hoặc để lấy lại cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Dễ dàng nghỉ việc dường như là đặc điểm của lao động Gen Z. Thâm niên trung bình của nhóm nhân sự này với một công ty khoảng 1,7 đến 2,2 năm, thấp hơn khá nhiều so với mức 4,3 năm của thế hệ trước.
>> 'Tôi loại ngay ứng viên khoe kinh nghiệm đầy mình nhờ nhảy việc'
Nói về xu thế này của thế hệ Z, bạn đọc Thơ Hoàng bình luận: "Thực sự tôi thấy thế hệ trẻ bây giờ không quan trọng tìm được một công việc muốn gắn bó lâu dài. Thay vào đó, họ làm việc theo kiểu ngẫu hứng, thích thì làm không thích thì nghỉ, rất hời hợt với công việc. Công ty tôi tuyển vị trí kỹ sư nhưng các bạn ngoại ngữ không tốt, kinh nghiệm ít, lại đòi mức lương rất cao. Lý do là nhiều khi mức lương các bạn nhận được con ít hơn khoản tiền được gia đình chu cấp".
Phản biện lại những chỉ trích về thái độ làm việc của Gen Z, độc giả Trangia cho rằng vấn đề nằm ở chính người lãnh đạo doanh nghiệp: "Môi trường làm việc ở Việt Nam nên được chấn chỉnh vì rất nhiều sếp yếu kỹ năng quản lý một doanh nghiệp. Họ không mang tư tưởng win-win với nhân viên mà luôn nghĩ rằng mình đang ban phát ơn huệ cho cấp dưới. Thế nên, họ có những cử chỉ, lời nói xúc phạm, coi thường nhân sự trẻ.
Có bạn nhân viên trẻ hỏi về nghỉ lễ theo quy định của nhà nước khi công ty chưa thông báo, nhưng bị sếp phán ngay một câu: 'Thích nghỉ luôn thì cứ làm đơn tôi ký'. Rồi còn nhiều hành vi chèn ép nhân viên, ép tăng ca, cắt phụ cấp, đổ lỗi thất bại... tất cả những điều ấy góp phần khiến nhân viên Gen Z cảm thấy ức chế, bất mãn".
Chỉ ra những nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người trẻ chủ động thất nghiệp, bạn đọc Tonyha kết lại: "Bỏ qua các trường hợp đặc biệt và những bạn cá tính, thì tôi nhận thấy Gen Z thời nay phần lớn không ép mình trung thành với công việc vì một số lý do sau:
Thứ nhất, khác với các thế hệ đi trước, các bạn thế hệ sau được giáo dục từ nhà trường tới gia đình trong một môi trường cởi mở hơn, không gò bó và áp đặt. Thế nên, khi bước chân vào môi trường công việc, các bạn ấy cũng đòi hỏi một mội trường tương tự để hòa nhập.
Thứ hai, người sử dụng lao động ở ta còn mang nặng yếu tố trên - dưới, xin - cho, theo kiểu ban phát công việc, thay vì nghĩ rằng người lao động và người sử dụng lao động là mối quan hệ win - win, hợp tác đôi bên cùng có lợi. Từ đó, họ mang nặng tư tưởng áp đặt, tạo nên môi trường làm việc không thoải mái cho thế hệ trẻ.
Thứ ba, ngày nay, người lao động được đào tạo kiến thức cao hơn, tập trung hơn về chuyên môn, nên các bạn đi làm là vừa kiếm thu nhập, vừa tìm cơ hội để phát triển bản thân. Khi thấy bản thân không phù hợp môi trường này, người trẻ sẽ tìm môi trường khác tốt hơn để thử thách.
Trong khi đó, thế hệ trước, khi có được công việc mức lương khá và đúng với khả năng và sức khỏe, họ thường coi như một may mắn và xác định gắn bó lâu dài. Thậm chí, càng lớn tuổi người ta càng sợ mất đi công việc cũ và ngại tìm kiếm một cơ hội khác. Dần dần, họ buộc phải chấp nhận làm việc dù không phù hợp và thoải mái".
- 'Phỏng vấn 30 Gen Z, không tuyển được người nào'
- Gánh việc cho đồng nghiệp nghỉ xả hơi
- Đồng nghiệp Gen Z nghỉ phép vì 'có hẹn với thợ làm tóc'
- Nhiều công ty sẽ phải trả giá vì chê bai Gen Z
- 5 năm nhảy việc một lần để không thành 'zombie công sở'
- Chê việc văn phòng vì ảo tưởng freelancer 'việc nhẹ lương cao'